Có thể các bạn đã biết, cơ thể con người là một trong những thứ dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh.
Nhìn vào môi trường xung quanh ta, rõ ràng có rất ít các điều kiện cho phép chúng ta có thể phát triển, và những thứ rất bình thường trong vũ trụ – một viên sỏi bay với vận tốc Mach 30, nhiệt độ cực lạnh, nhiệt độ cực nóng, thiếu tí oxy, một tia phóng xạ vũ trụ,…sẽ kết thúc cuộc đời của bất kì ai. Một trong những điều đó là áp lực. Và trong bài viết này, Kai đang muốn nói tới áp lực nước.
Con người không thể lặn quá sâu nếu không dùng các thiết bị lặn chuyên dụng như mặt nạ dưỡng khí hay tàu ngầm. Áp lực nước ở độ sâu vừa đủ có thể dễ dàng đè bẹp chúng ta thành thịt hộp, cho dù trước đó chúng ta đã bất tỉnh vì thiếu oxy lên não. Vậy, áp lực nước tác dụng lên cơ thể người như thế nào, và giới hạn độ sâu mà cơ thể người có thể chịu được là bao nhiêu?
Ở mực nước biển, áp suất không khí là 1 atmosphere (atm)
Lặn xuống 10 mét và áp lực nước lúc này là 2 atm, tăng gấp đôi – bởi vì nước dày hơn không khí, nó tác động một lực nén lớn hơn nhiều lên cơ thể bạn. Tại độ sâu này, lượng không khí trong cơ thể người chỉ còn lại 1/2.
Cứ sau 10 mét lặn sâu hơn, áp lực lên cơ thể bạn tăng thêm 1 atm, và lượng không khí giảm từ từ xuống 1/3, 1/4,…. Ngoài ra, áp lực nước tác động lên phổi, cản trở quá trình hô hấp, đó là lý do các thợ lặn ở độ sâu này cần có bình oxy và bộ điều áp để đưa không khí có áp suất cao vào phổi, cân bằng áp suất môi trường ngoài.
Ở độ sâu khoảng 30 mét, lúc này áp lực nước là 4 atm, các lớp mô xốp của phổi bắt đầu co lại, máu dồn về phía tim và não, mở rộng các mạch máu trong ngực, giúp cân bằng áp lực từ nước bên ngoài.
Từng ghi nhận trường hợp nhịp tim của thợ lặn giảm xuống chỉ còn 14 nhịp mỗi phút, chỉ bằng khoảng một phần ba nhịp tim của một người hôn mê. Các nhà khoa học vẫn không chắc chắn tại sao chúng ta có thể duy trì ý thức ở độ sâu đáng kể như thế này.
Vậy chúng ta có thể lặn sâu đến đâu?
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định một giới hạn cho việc này. Hầu hết các thợ lặn tự do chuyên nghiệp đều không vượt quá khoảng 120 mét. Kỉ lục thế giới về lặn có bình dưỡng khí được ghi nhận tại độ sâu 332,35 mét bởi thợ lặn Ahmed Gabr mặc dù có nhiều tác dụng phụ đi kèm như ngộp nitơ, bệnh giảm áp, ngộ độc oxy (do thành phần không khí trong bình dưỡng khí của anh).
Cách duy nhất để kiểm tra giới hạn là thử nghiệm trên người thật, còn sống, vì vậy rõ ràng không có nghiên cứu nào hữu ích để giúp chúng ta đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, các nhà khoa học biết điều gì sẽ xảy ra với một thợ lặn vượt qua giới hạn cơ thể của họ. Một thợ lặn có thể chết vì phổi bị nghiền nát, máu tràn vào, sau đó máu lại bị rút ra khỏi cơ thể do chênh lệch áp suất thẩm thấu. Rõ ràng đó không phải là một cái chết dễ chịu cho lắm.
Không liên quan nhưng mời các bạn xem thử video tuyệt đẹp này: https://youtu.be/OnvQggy3Ezw
Nguồn: tổng hợp bởi Science Realm từ Wikipedia, medicaldaily.com, healthlinkbc.ca, deeperblue.com.
Để lại bình luận