Không chỉ trong thời đại ngày nay cà phê mới góp mặt trong những buổi tụ họp, bàn bạc, chia sẻ thông tin và giao dịch.
Hàng trăm năm trước khi Starbucks nổi lên như địa điểm kết nối các mối quan hệ công việc và xã hội, con người đã tìm đến những tiền thân của quán cà phê hiện đại với mục đích tương tự.
Từ thời Ottoman đến cuộc Cách mạng Pháp, Mỹ, những quán cà phê đã trở thành cầu nối cho những khối óc với tư tưởng tiến bộ nhất của từng thời kỳ. Bởi vậy, có thể nói, dòng lịch sử của loài người chảy trong những tách cà phê.
1. Sự ra đời tại Đế quốc Ottoman
Những quán cà phê đầu tiên xuất hiện trong lịch sử loài người tại Đế quốc Hồi giáo Ottoman. Do lệnh cấm rượu và các quầy bar, các quán cà phê mọc lên với vai trò là nơi gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kiến thức của mọi tầng lớp trong xã hội.
Những quán xá được bày trí theo phong cách bình dân và những ly cà phê được phục vụ với mức giá phải chăng đã làm chuyển biến hoàn toàn tập quán xã hội thời bấy giờ. Tuy nhiên, không phải mọi tầng lớp trong Đế quốc đều hài lòng với sự thay đổi này.
Năm 1633, Quốc vương Sultan Murad IV ban sắc lệnh khép mọi hành vi tiêu thụ cà phê vào tội tử hình. Giai thoại kể rằng, trong suốt sự nghiệp đế vương của mình,vị hoàng đế thứ 17 của Đế quốc Ottoman bị ám ảnh đặc biệt với “khách thưởng cafe” đến mức đích thân cải trang thành dân thường dạo quanh thành Istanbul và xử tử những đối tượng bị cho là phản nghịch ngay tại chỗ.
Kể từ đó, trong suốt thế kỉ 18, các đời vua Sultan đều ban bố và duy trì lệnh cấm các quán cà phê hoạt động nhằm ngăn chặn nguy cơ từ những phe bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, điều này vẫn không ngăn được các quán cà phê mọc lên, lan rộng và dấy lên nỗi lo lắng về ngai vàng của các bậc đế vương phong kiến châu Âu.
2. Nỗi ám ảnh của hoàng đế Charles II
Quán cà phê đầu tiên tại London được mở vào năm 1652 bởi Pasqua Rosée, mở ra một cuộc cách mạng mới trong xã hội nơi đây. Markman Ellis, tác giả của cuốn sách The Coffee House: A Cultural History đã viết: “Văn hóa nước Anh có cấu trúc phân tầng vô cùng rõ ràng và chặt chẽ. Việc một người có thể gặp mặt và ngồi cạnh ai đó một cách ngang hàng là không thể chấp nhận.”
Điểm đặc trưng ở các quán cà phê Anh chính là những bàn phục vụ nhiều người ngồi chung, bên trên xếp đầy báo và các tờ rơi để những vị khách có thể tụ họp, thảo luận và thậm chí soạn thảo tin tức ngay tại chỗ.
Theo nhận định của Ellis, “Những quán cà phê chính là động cơ phát triển của ngành công nghiệp báo chí London thế kỉ 18.”
Ám ảnh bởi án hành quyết phụ thân mình – vua Charles I, một trong những kết cục của Nội chiến Anh, vua Charles II luôn mang tâm lý lo sợ những cuộc thảo luận chính trị của dân chúng bên bàn cà phê.
Ngày 12/6/1672, Charles II ban hành tuyên cáo với mục đích “Hạn chế lan truyền tin tức sai sự thật và phát ngôn tùy tiện về những vấn đề trọng đại của chính phủ và quốc gia” và đã ban lệnh đóng cửa toàn bộ các quán cà phê tại London không lâu sau đó. Tuy nhiên, lệnh cấm chỉ có hiệu lực trong 11 ngày trước làn sóng phản đối của quần chúng.
3. Trở thành những “trường đại học một xu”
Sự thất bại của lệnh cấm cà phê đã đánh dấu nhiều bước ngoặt lớn trong lịch sử: những cuộc đàm thoại mở về chính trị mà Charles II luôn e sợ đã châm ngòi cho sự bùng nổ những ý tưởng mới trong Thời kỳ Khai Sáng.
Ở Oxford, người dân bắt đầu coi quán cà phê địa phương như những “trường đại học 1 xu”, bởi chỉ cần bỏ vài xu mua một tách cà phê là đã có thể tham gia thảo luận với những bộ óc sáng suốt, thông tuệ nhất thời bấy giờ.
Từ thời kỳ này, các quán cà phê đã được định hình phục vụ những nhóm khách hàng khác nhau. Chẳng hạn, quán Grecian nằm gần phố Fleet là nơi gặp mặt của các thành viên thuộc Đảng chính trị Whig và Hiệp hội Hoàng gia.
Thậm chí, Isaac Newton từng thực hiện mổ một con cá heo ngay trên bàn của quán. Trong khi đó, giới văn, thi sĩ như John Dryden, Alexander Pope và Jonathan Swift lại thường tụ tập ở quán cà phê Will’s.
Các quán cà phê như Jonathan’s nằm trên khu phố Exchange Alley, hay Lloyd’s đã đi vào lịch sử với vai trò là nơi khai sinh ra Sàn Giao dịch Chứng khoán và thị trường bảo hiểm London. Không chỉ vậy, theo bước chân của những lữ khách trở về chính quốc, mang theo cơn nghiện và văn hóa đối thoại, ảnh hưởng của cà phê tiếp tục lan rộng khắp phương Tây.
4. Đức Đại đế Frederick và cuộc tuyên chiến với cà phê
Năm 1777, Frederick Đại đế – vua nước Phổ – đã tỏ thái độ phản đối kịch liệt với cà phê đến mức ban lệnh cấm thức uống này nhằm thể hiện tình yêu với bia – thức uống nổi tiếng của quốc gia.
Lo sợ hoạt động nhập khẩu cà phê sẽ đe dọa đến ngai vàng, Frederick yêu cầu mọi thương buôn và hộ kinh doanh cà phê đều phải đăng ký kinh doanh trực tiếp với nhà vua và chỉ cấp phép cho một số đối tượng thân cận của triều đình.
Các cựu quân nhân cũng được nhà vua thuê về nhằm “săn lùng” những trường hợp buôn lậu. Tuy nhiên, lệnh cấm lập tức bị gỡ bỏ ngay khi nhà vua qua đời, và những cuộc đối thoại trong những quán cà phê vẫn tiếp tục tồn tại với lịch sử.
5. Bàn đạp cho cuộc cách mạng Hoa Kỳ
Cà phê được coi là thức uống dành cho những người yêu nước tại các bang bị thực dân Anh nắm quyền cai trị. Cụ thể, vào ngày 16/12/1773 một nhóm các cư dân thuộc địa Massachusetts đã cải trang thành người da đỏ Mohawk đột nhập lên ba chiếc tàu Anh và đổ 342 kiện chè xuống biển.
Cuộc đột kích lúc nửa đêm, hay còn gọi là “Tiệc trà Boston”, được tổ chức để phản đối Đạo luật Trà năm 1773 của Quốc hội Anh.
Sau sự kiện trên, lá trà trở nên thất thế so với cà phê và rượu mạnh, và Quán rượu Rồng Xanh tại Boston đã được chính trị gia nổi tiếng Daniel Webster mô tả là “cơ quan đầu não cách mạng”. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp của tổ chức cách mạng Sons of Liberty (Những người con của Tự do) trước và trong cuộc Cách mạng Mỹ.
Tại mặt trận New York, quán cà phê Merchant là nơi họp mặt của những đại biểu yêu nước, mong muốn phá vỡ ách cai trị của hoàng đế Anh George III. Trong những thập niên 80 thế kỉ 18, quán Merchant, theo đúng nghĩa đen, trở thành nơi tập hợp các thương nhân với mục tiêu thành lập Ngân hàng và cải tổ Phòng Thương mại New York.
Cũng trong thời kỳ này, tại quán cà phê Smyrna, London, “người khai sinh nước Mỹ” Benjamin Franklin đã soạn thảo “An Open Letter to Lord North” (Thư gửi Lãnh chúa North) với mục đích đả kích, châm biếm quyền lực của nhà vua đối với các vùng thuộc địa, với nhân vật “Lãnh chúa” được đề cập tới là Thủ tướng Anh đương thời Frederick North.
6.Quán cà phê Paris – nơi khởi nguồn của cách mạng Pháp
Những quán cà phê Paris, với những đặc trưng của chủ nghĩa quân bình xã hội, là điểm họp mặt yêu thích của các tổ chức và phiến quân Cộng hòa trong cuộc Cách mạng Pháp.
Trong sự kiện chiếm ngục Bastille – một cột mốc quan trọng trong suốt Cách mạng Pháp, quán Café de Foy giữ vai trò là nơi chủ trì những cuộc kêu gọi vũ trang. Còn trong Thời kỳ Khai Sáng, những gương mặt lỗi lạc như Rousseau, Diderot và Voltaire chọn quán Procope làm nơi thảo luận và mài giũa góc nhìn triết lý và nghệ thuật.
Sau cuộc Cách mạng, văn hóa cà phê Paris một lần nữa hấp dẫn những tác giả và nhà tư tưởng có chung mục tiêu tạo ra những tuyệt tác để đời. Quán La Rotonde là mái nhà chung của những vĩ nhân biệt xứ như Ernest Hemingway, Gertrude Stein, F. Scott Fitzgerald và T.S. Eliot.
Trong khi đó, quán Café de Flore chứng kiến sự ra đời của “Les Soirées de Paris” tác phẩm của nhà thơ kiêm nhà phê bình Apollinaire, với sự góp mặt của văn hào André Breton ngồi kế bên. Nơi đây cũng là địa điểm được cặp đôi nổi tiếng Simone de Beauvoir và Jean-Paul Sartre lựa chọn cho những cuộc thảo luận về triết học.
Có thể thấy, trải qua lịch sử hình thành và phát triển, cà phê luôn giữ vững vai trò là cầu nối cho những tư tưởng mang tính thời đại và không ngừng truyền cảm hứng cho những làn sóng tư duy mới.
Nguồn: Bài viết được tổng hợp bởi đội ngũ Science Realm từ Khoa Học Phát Triển, History và MNN.
Để lại bình luận