Máy vi tính có năm bộ phận chủ yếu hợp thành, đó là: (1) CPU (Central Processing Unit): bộ xử lý trung tâm hay còn gọi bộ vi xử lý. (2) Bộ lưu trữ trong khối hệ thống (gồm RAM là bộ nhớ chính hoặc còn gọi là bộ nhớ truy nhập ngẫu nhiên – random access memory, và ROM là bộ nhớ chỉ đọc – read only memory). (3) phần cứng lưu trữ (permanent storage, còn gọi là bộ lưu thứ cấp, như ổ đĩa mềm và ổ đĩa cứng được cài bên trong khối hệ thống, vật liệu lưu trữ dữ liệu là media- gồm đĩa mềm và đĩa cứng). (4) phần cứng nhập dữ liệu (gồm bàn phím, con chuột). (5) Phần cứng xuất tin (gồm màn hình, máy in). Bộ xử lý trung tâm và bộ lưu trữ bên trong được lắp đặt trong bàn máy (cài trong khối hệ thống). Phần cứng lưu trữ thường cũng được lắp đặt trong bàn máy.
Người ta cho rằng CPU là bộ phận trung tâm của máy tính, vì sao vậy? Từ chức năng của năm bộ phận chủ yếu của máy tính ta biết rằng CPU gồm hai bộ phận tính toán và điều khiển. Chức năng của CPU là chức năng quan trọng nhất trong máy tính, và các bộ phận khác đều làm việc dưới sự điều khiển của nó. CPU có nhiều chức năng và đều quan trọng đối với máy tính. Trước hết là CPU có khả năng tính toán rất nhanh. Nếu không có chức năng này thì ta không thể bàn tới tính ưu việt của máy tính. Kế đến là khả năng lưu trữ và xuất tin của CPU, tạo nên khả năng ghi nhớ cho máy tính. Tiếp nữa là CPU có khả năng nhận biết và chấp hành lệnh của máy tính, và bởi vậy mà người ta có thể lập chương trình (hệ thống lệnh) để cho máy tính tự động làm việc. Cuối cùng là CPU có khả năng chỉ huy các bộ phận khác, khiến chúng có thể phối hợp làm việc. Bởi vậy, ta nói CPU là bộ phận trung tâm của máy tính.
Do CPU là bộ phận trung tâm của máy tính nên loại hình CPU cũng là tiêu chí chủ yếu để phân loại và đánh giá chất lượng máy tính. Ví dụ máy tính sử dụng CPU – 8088 được gọi là máy tính PC/XT, máy tính sử dụng CPU – pentium thì được gọi là máy tính pentium.