Đĩa từ của máy tính có thể lưu trữ tin vì đã dùng kĩ thuật ghi từ và phương pháp lưu trữ trực tiếp.
Trên đĩa người ta đã phủ một lớp vật liệu mỏng có từ tính. Đĩa sẽ bị nhiễm từ theo cách thức xác định và trở thành cái đĩa có thể lưu trữ tin. Vật liệu có từ tính được phủ lên màng plastic và chúng trở thành đĩa mềm, phủ lên đĩa nhôm cứng (cũng có thể dùng đĩa gốm sứ hoặc pha lê) thì chúng thành đĩa cứng.
Bề mặt của đĩa từ ta có thể thấy vô số điểm. Các điểm sau khi nhiễm từ thì có cực tính khác nhau, lần lượt biểu thị cho số 0 hoặc 1. Do định vị của những điểm này thường là không thật chính xác, nên phải dùng cách như chia cung để giúp cho việc tìm kiếm vị trí ghi, và đó chính là một lí do tại sao trước khi dùng đĩa từ thì ta phải định dạng. Việc ghi và đọc tin trên băng từ được tiến hành theo trình tự. Muốn tìm kiếm điểm nào đó trên băng, ta chỉ có thể bắt đầu từ đầu mà tìm kiếm theo thứ tự. Nhưng việc ghi và đọc tin trên đĩa lại có thể tiến hành trực tiếp, vì đầu từ có thể nhanh chóng tìm thấy bất kỳ điểm nào trên đĩa từ. Vì sao vậy?
Trước hết, đĩa từ có thể quay rất nhanh, vì vậy tìm đến mỗi một điểm trên vòng tròn không mất bao nhiêu thời gian. Nếu tốc độ quay của một đĩa mềm mỗi phút là 300 vòng thì 1/5 giây nó sẽ quay được một vòng. Nếu tốc độ quay của đĩa cứng là 3600 vòng/phút thì chỉ cần 1/60 giây là nó quay được một vòng.
Sau đó là đầu từ có thể di động theo hướng đường kính, giống như kim cần máy quay đĩa (record – player) có thể di động từ ngoài vào trong. Đĩa mềm bình quân cần từ 1/6 giây là tìm đến bất kỳ vị trí nào, còn đĩa cứng chỉ cần 1/25 giây đến 1/70 giây.
Ta kết hợp di động của đầu từ và chuyển động quay của đĩa lại, đầu từ sẽ nhanh chóng tìm được bất kỳ vị trí nào trên đĩa từ. Như vậy, đĩa từ có thể lưu trữ dữ liệu nhanh chóng và trực tiếp. (Hiện nay hầu như người ta không dùng đĩa mềm – btv)