Bạn đã từng thấy, sau một trận mưa, có lúc bầu trời có màu xanh thẫm như mặt nước hồ phẳng lặng, sau tiếng sét và chớp giật, bầu trời tạm thời xanh đậm, khiến cho tâm thần con người hoảng sợ. Vì sao bầu trời khi nắng sáng lại có màu xanh lam? Hơn nữa trời càng xanh càng thanh khiết.
Lẽ nào trên không lại chứa chất khí màu xanh lam?
Nói một cách khác, bản thân không khí là màu xanh lam chăng?
Để giải đáp vấn đề này, chúng ta làm thí nghiệm sau. Dùng một bể thủy tinh hình hộp, trong đó 2/3 bể chứa nước. Dùng một ít bột đất hòa vào nước làm cho nó đục lên. Sau đó đặt bể lên cửa sổ, chọn một buổi sáng trời nắng, vào khoảng 7 – 8 giờ sáng ánh nắng chiếu song song vào một đầu bể thủy tinh, đầu kia ánh sáng đi ra. Lúc đó bạn sẽ phát hiện một hiện tượng rất thú vị: nước trong bể thủy tinh hiện lên màu xanh lam, còn ánh sáng sau khi đi qua bể sẽ hiện lên màu hồng nhạt và màu vàng tím.
Màu xanh lam nhạt xuất hiện trong bể thủy tinh cũng giống như nguyên lý bầu trời màu xanh trên trời.
Như ta đã biết, bao bọc chung quanh Trái Đất là tầng không khí. Trong không khí chứa nhiều hạt bụi, tinh thể băng và các hạt nước nhỏ li ti. Khi ánh nắng Mặt Trời (ta chỉ thấy là chùm sáng trắng, nhưng trên thực tế nó được các ánh sáng từ màu đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím tổ hợp thành) đi qua không khí (giống như đi qua bể thủy tinh chứa nước đục trong thí nghiệm trên). Ánh sáng màu đỏ có bước sóng dài có lực xuyên qua rất lớn (tiếp theo là ánh sáng màu da cam, màu vàng, v.v.) nó có thể xuyên qua các hạt nhỏ trong không khí chiếu xuống mặt đất. Còn những ánh sáng màu lam, chàm, tím có bước sóng ngắn hơn rất dễ bị các hạt nhỏ trôi nổi trong không khí tán xạ khắp các phía, khiến cho không khí xuất hiện màu xanh lam.