Ngày nay, việc bảo vệ môi trường đã trở thành nhận thức chung của mọi người. Nhưng vì sao lại phải bảo vệ môi trường? Bảo vệ môi trường như thế nào? Để trả lời những vấn đề này ta phải bắt đầu từ vấn đề nghiên cứu môi trường.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, sức sản xuất xã hội tăng vọt. Việc sử dụng rộng rãi các loại máy móc đã tạo ra một lượng lớn của cải cho loài người, nhưng một lượng khổng lồ các chất phế thải công nghiệp cũng đã gây nên ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Một lượng lớn các chất độc hóa học sau khi thải vào môi trường, do khuếch tán, chuyển dời, tích lũy và chuyển hóa làm cho môi trường không ngừng xấu đi, uy hiếp nghiêm trọng đến sự sống của loài người và các sinh vật khác. Năm 1962, nhà nữ sinh vật học Rachel Carson người Mỹ đã xuất bản tác phẩm “Mùa xuân lặng lẽ”.
Cuốn sách miêu tả tỉ mỉ sự phá hoại sinh thái do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật:
“Những bệnh tật kì lạ không lường được đã giết chết hàng loạt chim muông; bò, cừu lâm bệnh và chết đột tử. Trẻ em đang chơi đùa bỗng nhiên ngã quỵ, sau mấy giờ chết ngay không chữa nổi… Trên mặt đất chỉ còn sót lại một vài con chim lẻ loi thoi thóp… Đó là một mùa xuân không có sự sống”. Quyển sách đã gây chấn động dư luận trên toàn thế giới. Người ta bỗng kinh ngạc phát hiện ra rằng: trong một thời gian ngắn chỉ mấy chục năm mà sự phát triển công nghiệp đã mang lại cho nhân loại một môi trường độc hại. Hơn nữa môi trường bị ô nhiễm đã gây nên sự tổn thương toàn diện, lâu dài và nghiêm trọng. Loài người bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Do đó những năm đầu thập kỉ 60 ở những nước công nghiệp phát triển đã dấy lên “phong trào bảo vệ môi trường”, yêu cầu Chính phủ phải có biện pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm.
Bài học nhân loại không bảo vệ tốt môi trường thực ra đã có từ xưa. Ở thời cổ đại, những vùng kinh tế tương đối phát triển như Hi Lạp, Trung Cận Đông, v.v… do việc khai hoang và tưới nước không hợp lí nên đã gây ra những vùng không có cây cỏ. Ở Trung Quốc thời kì cổ đại, lưu vực Hoàng Hà là vùng đất tốt nhưng do chặt phá rừng bừa bãi, đất bị xói mòn nghiêm trọng nên nạn lũ lụt và hạn hán xảy ra liên miên, chất đất ngày càng nghèo đi. ý thức bảo vệ môi trường cũng không phải ngày nay mới có. Trung Quốc thời kì cổ đại đã có tư tưởng bảo vệ môi trường rất đơn sơ như câu nói “Không tát cạn mà chỉ bắt cá, không đốt rừng mà chỉ săn bắn”. Ngày nay, bảo vệ môi trường không những phải làm cho môi trường không bị ô nhiễm mà còn phải kế thừa tư tưởng bảo vệ môi trường trước đây, tức là khai thác tài nguyên một cách hợp lí để đảm bảo có thể tiếp tục khai thác mãi. Chúng ta cần hiểu rằng: vấn đề then chốt để giải quyết ô nhiễm môi trường là bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường chính là để bảo vệ chúng ta.
Để bảo vệ môi trường được tốt hơn, nhiều nước đang ra sức tuyên truyền rộng rãi ý thức bảo vệ môi trường, chế định những chính sách và pháp luật để bảo vệ môi trường. Tháng 9/1979, Chính phủ Trung Quốc cũng đã ban bố “Dự thảo Luật bảo vệ môi trường của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Cuối năm 1983, Chính phủ đã triệu tập Hội nghị Bảo vệ môi trường toàn quốc lần thứ 2. Hội nghị đó đã xác định bảo vệ môi trường là một trong những quốc sách cơ bản của Trung Quốc.