Bài toán bảy cây cầu Euler, còn gọi là Bảy cây cầu ở Königsberg nảy sinh từ một nơi chốn cụ thể: thành phố Königsberg, Đức (nay là Kaliningrad, Nga) nằm trên sông Pregel, bao gồm hai hòn đảo lớn nối với nhau và với đất liền bởi bảy cây cầu.
Câu hỏi đặt ra là có thể đi theo một tuyến đường mà đi qua mỗi cây cầu đúng một lần rồi quay lại điểm xuất phát hay không. Năm 1736, Leonhard Euler đã chứng minh rằng điều đó là không thể được.
Người ta kể rằng, khoảng năm 1750, vào các ngày Chủ nhật, những người dân giàu có và học thức của thành phố đã đi dạo quanh để tìm cách giải bài này, nhưng đây có lẽ chỉ là một truyền thuyết.
Lời giải của Euler
Euler đã nhận ra rằng bài toán này không có lời giải, nhưng để chứng minh được điều đó, ông cần phát triển một kĩ thuật chứng minh và thực hiện dưới góc độ toán học. Những nỗ lực ấy đã thiết lập nền tảng cho lý thuyết đồ thị (graph theory) sau này. Euler loại bỏ tất cả các chi tiết ngoại trừ các vùng đất và các cây cầu, sau đó thay thế mỗi vùng đất bằng một điểm, gọi là đỉnh hoặc nút (node), và thay mỗi cây cầu bằng một đoạn nối, gọi là cạnh hoặc liên kết (link). Cấu trúc toán học thu được được gọi là một đồ thị.
Hình thù của đồ thị có thể bị bóp méo theo đủ kiểu nhưng không làm đồ thị bị thay đổi, miễn là các liên kết giữa các nút giữ nguyên. Việc một liên kết thẳng hay cong, một nút ở bên phải hay bên trái một nút khác là không quan trọng.
Euler nhận ra rằng bài toán có thể được giải bằng cách sử dụng bậc của các nút. Bậc của một nút là số cạnh nối với nó; trong đồ thị các cây cầu Königsberg, ba nút có bậc bằng 3 và một nút có bậc 5. Euler đã chứng minh rằng một chu trình có dạng như mong muốn (chu trình Euler – đi qua tất cả nút và quay lại điểm xuất phát, được đặt theo tên ông sau bài toán này) chỉ tồn tại khi và chỉ khi không có nút bậc lẻ. Do đồ thị các cây cầu Königsberg có bốn nút bậc lẻ, nên nó không thể có chu trình Euler (Eulerian cycle).
Có thể sửa đổi bài toán để yêu cầu một đường đi qua tất cả các cây cầu nhưng không cần có điểm đầu và điểm cuối trùng nhau. Đường đi như vậy được gọi là một đường đi Euler (Eulerian path, phân biệt với Eulerian cycle ở trên). Một đường đi như vậy tồn tại khi và chỉ khi đồ thị có đúng hai đỉnh bậc lẻ. Như vậy điều này cũng không thể đối với bảy cây cầu ở Königsberg.
Ý nghĩa của bài toán đối với lịch sử toán học
Trong lịch sử toán học, lời giải của Euler cho bài toán bảy cây cầu ở Königsberg được coi là định lý đầu tiên của lý thuyết đồ thị, ngành nghiên cứu mà nay được coi là một nhánh của toán học tổ hợp (combinatorics), tuy các bài toán tổ hợp đã được quan tâm đến từ sớm hơn rất nhiều.
Ngoài ra, nhận xét của Euler rằng thông tin quan trọng là số cây cầu và danh sách các vùng đất ở đầu cầu (chứ không phải vị trí chính xác của chúng) đã là dấu hiệu cho sự phát triển của ngành tôpô học. Sự khác biệt giữa sơ đồ thực và sơ đồ đồ thị là một ví dụ tốt rằng tôpô học không quan tâm đến hình thù cứng nhắc của các đối tượng.
Bài viết được đóng góp bởi trang Science Realm”.
Để lại bình luận