Đừng bao giờ cố gắng bịt mũi và miệng khi hắt xì bởi vì việc làm này có thể dẫn đến một loạt các kết cục không hề tốt đẹp cho cơ thể và thậm chí còn có thể bị “nổ não” mà chết đấy.
Hắt hơi, hắt xì hay nhảy mũi, là sự phóng thích không khí từ phổi ra ngoài thông qua mũi và miệng, thường gây ra bởi sự kích thích niêm mạc mũi của các vật thể nhỏ bên ngoài cơ thể, có thể bao gồm vi khuẩn, bụi bẩn, bụi, nấm mốc, phấn hoa hoặc khói. Về cơ bản, hắt xì hơi giúp thiết lập tình trạng bên trong của mũi của bạn trở lại trạng thái bình thường khi gặp một tác nhân nhạy cảm từ bên ngoài.
Nguy hiểm của việc át chế một cái hắt hơi:
Hắt xì là một hoạt động vô cùng mạnh mẽ: Một cái hắt hơi có thể đẩy những giọt chất nhầy từ mũi của bạn với tốc độ lên đến 100 dặm một giờ. Khi bạn hắt hơi, cơ thể bạn tạo ra áp lực trong hệ hô hấp gồm xoang, khoang mũi và xuống cổ họng vào phổi của bạn.
Giữ trong một cái hắt hơi (bịt mũi khi hắt hơi) sẽ làm tăng đáng kể áp lực bên trong hệ hô hấp đến mức khoảng 5 đến 24 lần. Các chuyên gia nói rằng giữ áp lực bổ sung này bên trong cơ thể của bạn có thể gây ra thương tích bên trong và hoàn toàn có thể chuyển biến nghiêm trọng. Một số thương tích này bao gồm:
1. Màng nhĩ vỡ
– Tai, mũi và họng thông nhâu nên khi bạn giữ áp suất cao tích tụ trong hệ hô hấp trước khi hắt hơi, số không khí vốn dĩ phải đi ra từ mũi thì áp lực cũng có thể đẩy một phần chúng đi ra ngoài bằng tai. Không khí điều áp này chạy theo ống ở mỗi tai nối với tai giữa và màng nhĩ, được gọi là ống Eustachian .
– Các chuyên gia nói rằng nếu áp lực đủ lớn, hoàn toàn có thể khiến màng nhĩ của bạn (hoặc thậm chí cả hai màng nhĩ) bị vỡ và gây mất thính giác. Hầu hết các màng nhĩ vỡ lành lại mà không cần điều trị trong một vài tuần nhưng có một số trường hợp nghiêm trọng phải cần đến phẩu thuật để hồi phục.
2. Nhiễm trùng tai giữa
– Như đã nói ở trên, hắt hơi giúp làm sạch mũi của bạn, tống khứ những thứ gì không nên có ra khỏi khoang mũi và một trong số đó chính là nhiều loại vi khuẩn. Theo giả thuyết, việc chuyển hướng không khí trở lại vào tai của bạn từ đường mũi có thể mang vi khuẩn hoặc chất nhầy bị nhiễm trùng đến tai giữa và gây nhiễm trùng.
3. Các mạch máu bị tổn thương ở mắt, mũi hoặc màng nhĩ:
– Các chuyên gia Y tế cho biết, mặc dù khá hiếm gặp nhưng việc bịt mũi khi hắt xì có thể làm vỡ các mạch máu trong mắt, mũi hoặc màng nhĩ của bạn do áp lực lớn bị đè nén lại.
4. Chấn thương cơ hoành và xương sườn:
– Cơ hoành là phần cơ bắp của ngực phía trên bụng. Mặc dù những chấn thương này rất hiếm, nhưng các bác sĩ đã quan sát thấy các trường hợp không khí bị áp lực bị kẹt trong cơ hoành gây chấn thương phổi. Đây là một chấn thương đe dọa tính mạng cần nhập viện ngay lập tức. dấu hiệu nhận biết đó là bạn có thể cảm thấy đau ở ngực sau khi hắt hơi.
– Một số người, thường là ở độ tuổi đã cao, báo cáo rằng họ bị gãy xương sườn sau khi hắt xì. Và cũng bởi vì không khí áp suất cao bị ép vào phổi của bạn với rất nhiều áp lực.
5. Phình động mạch vỡ ra gây chảy máu não :
– Áp lực gây ra bởi việc hắt hơi có thể dẫn đến vỡ phình động mạch não . Đây là một chấn thương đe dọa tính mạng có thể dẫn đến chảy máu trong hộp sọ quanh não.
6. Nguy hại đến cổ họng:
– Các bác sĩ đã tìm thấy ít nhất một trường hợp một người bị vỡ sau cổ họng bằng cách hắt hơi. Người đàn ông 34 tuổi bị thương này được báo cáo là có một nỗi đau tột cùng, và anh ta hầu như không thể nói hoặc nuốt chỉ vì nhịn hắt xì hơi bằng cách bịt miệng và mũi. Thảm họa khởi phát khi anh có cảm giác “nổ tung” phía sau gáy, tiếp theo sau đó là cơn đau dữ dội và chiếc cổ sưng tướng.
– Triệu chứng mà người đàn ông xui xẻo này gặp phải còn được biết đến với cái tên “Tràn khí dưới da”, xảy ra khi các bóng khí xuất hiện ở mô dưới da. Khí xuất hiện đầy ở dưới da của bệnh nhân, chủ yếu tập trung ở vùng cổ. Phim chụp CT cũng cho thấy khí xuất hiện ở vùng trung thất nằm giữa hai phổi. Tình trạng này còn được biết đến với cái tên tràn khí trung thất. Các bác sĩ xác định rằng, việc nhịn hắt xì hơi đã đục thủng phần họng tại vị trí ngã ba hầu họng, nơi hầu họng thông với thực quản.
– May thay, các triệu chứng dần dần cải thiện sau khi điều trị hai tuần và anh ta đã có thể ăn được các loại thức ăn mềm. Bệnh nhân sớm được xuất viện, và hai tháng sau đó anh không gặp bất cứ di chứng nào từ tai nạn này.
Nhưng thực tế, lời khuyên trên lại khá là bất cập với thời buổi dịch bệnh ngày nay khi mà một cái hắt xì cũng có thể khiến bạn bị… cách ly hoặc tệ hơn là gieo rắc mầm bệnh nguy hiểm ra ngoài môi trường. Vậy nên tốt nhất mọi người hãy cố gắng đeo khẩu trang đầy đủ khi ra đường để có thể thoải mái hắt xì nhé, nhớ là đừng bịt mũi bịt tai mà hãy dùng khủy tay để hạn chế vi khuẩn bay xa.
Nguồn: Bài viết được thực hiện bởi đội ngũ Science Realm.
Các tài liệu tham khảo thêm của bài viết: Healthline, GenK và Wikipedia.
Để lại bình luận