Bệnh tự miễn (Autoimmune disease, rối loạn hệ miễn dịch) là từ để chỉ các bệnh sinh ra do sự rối loạn xảy ra tại Hệ miễn dịch trong cơ thể con người vốn có chức năng bảo vệ, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bệnh tật.
Lúc đó hệ miễn dịch lại xem chính các tế bào nào đó của cơ thể là các kháng nguyên lạ (bình thường lẽ ra phải là virus, vi khuẩn, vật thể lạ,…) nên quay ra tấn công chúng. Bệnh tự miễn là bệnh nguy hiểm vì không thể điều trị khỏi hoàn toàn và gây nhiều biến chứng nặng.
Bệnh thường gặp ở người trẻ hoặc đứng tuổi (thường từ 20 đến 40 tuổi)
Trẻ em và người già ít gặp hơn, nữ gặp nhiều hơn nam. Bệnh tiến triển từng đợt, nặng dần (vì vậy bệnh có tên là bệnh tự duy trì) diễn tiến thường phức tạp, đa dạng từ cấp tính, tối cấp đến nhẹ, dai dẳng. Bệnh tự miễn di truyền và thường có tính chất gia đình. Khi bị bệnh tự miễn có thể tổn thương đồng thời nhiều cơ quan. Ngoài ra, y học hiện đại đã xác định được một số nguyên nhân gây ra các bệnh tự miễn bao gồm:
Ô nhiễm môi trường
Những hóa chất như thủy ngân, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm tóc, bao ni lông… có thể gây tổn hại một cách trực tiếp lên hệ miễn dịch. Trong trường hợp này, bệnh tự miễn xảy ra là do các mô của cơ thể bị tổn hại và bị biến đổi đến nỗi hệ miễn dịch “nhận không ra”.
Nhiễm trùng
Đây cũng là nguyên nhân gây nên một số bệnh tự miễn như sốt thấp khớp, viêm cột sống….Các bệnh tự miễn này xảy ra có thể là do các tế bào của cơ thể tương tự như vi trùng, do vậy hệ miễn dịch thay vì tiêu diệt vi trùng, nó đã tấn công vào chính tế bào của cơ thể.
Xáo trộn vi khuẩn đường ruột
Có hàng tỉ lợi khuẩn sống ở trong ruột có vai trò điều hòa hệ miễn dịch. Tuy nhiên do tình trạng lạm dụng kháng sinh quá mức và sử dụng thuốc ngừa thai vô tội vạ đã dẫn đến sự mất cân bằng của hệ vi sinh đường ruột gây nên các chứng tự miễn và các rối loạn hệ miễn dịch.
Thiếu hụt vitamin D
Vitamin D có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch, nó hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại ung thư, ngăn ngừa sự gắn kết của những thành phần chống lại hệ miễn dịch.
Một bệnh tự miễn có thể tác động đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể và gây nên nhiều triệu chứng, do đó bệnh khá khó chẩn đoán. “Lời dạy kinh điển cho sinh viên trường y là khi một bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng ở nhiều hơn một bộ phận cơ thể, và đặc biệt là ở ba hệ thống cơ quan trở lên, bạn phải bắt đầu nghĩ về bệnh tự miễn”, bác sĩ Nathalie Azar, chuyên gia về bệnh thấp tại New York University nhấn mạnh.
Phải cần rất nhiều công trình nghiên cứu và tiền bạc mới có thể tìm ra nguyên nhân, bản chất của bệnh tự miễn. Mặc dù di truyền đóng vai trò chủ chốt, nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh. Môi trường, lối sống, sức khỏe cá nhân cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng mắc bệnh. Một trong những việc lớn nhất bạn có thể làm để giảm nguy cơ là không hút thuốc lá. Ngoài ra, xây dựng lối sống lành mạnh, khẩu phần ăn hợp lý, thường xuyên tập thể dục cũng là những phương án giúp tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Bài viết được tổng hợp bởi đội ngũ Science Realm.
Để lại bình luận