Biết cách yêu nghĩa là đẩy tâm trí vượt ra khỏi những gì mắt thấy tai nghe, hay tưởng tượng những gì không thể nhìn thấy: Hãy yêu như yêu một đứa trẻ.
Trẻ nhỏ đôi khi hành xử theo cách vô cùng khó hiểu và gây sốc: chúng la hét trước người coi sóc chúng, tức giận hất đổ bát mì, vứt đi thứ đồ chơi một người nào đó mới cho chúng. Nhưng rất ít khi ta cảm thấy bị kích động hay bị tổn thương bởi những hành động này. Lý do là bởi ta chưa từng gán một động cơ tiêu cực hay ý đồ xấu nào cho bọn trẻ.
Ta tìm kiếm xung quanh những lý giải nhân đạo nhất và tổng hợp hết lại. Ta không ngay lập tức cho rằng đứa trẻ đang tỏ vẻ buồn để làm ta khó chịu. Ta có thể nghĩ rằng chúng đang hơi mệt, hoặc chúng đang ăn cái kẹo quá cứng hay khó chịu vì có mặt cô chị gái. Ta có sẵn một bản ghi chép khổng lồ những lý giải thay thế trong đầu để lý giải cho những hành động gây khó chịu – và không có lý do nào làm ta sợ hãi hay bực đến phát điên.
Người lớn lại đối xử với nhau theo cách ngược lại, đặc biệt trong khi yêu. Khi biết rằng có người để ý đến mình, ta thường suy nghĩ nghĩ thế này: Nếu họ vì công việc mà đến trễ trong ngày sinh nhật mẹ ta, ta coi đó là một cái cớ. Nếu họ hứa mua cho ta kem đánh răng nhưng “quên mất”, ta sẽ nghĩ rằng họ cố tình. Họ chỉ đơn giản có vẻ không vui, còn ta thì nghĩ rằng họ đang cố gắng hủy hoại cuộc đời ta.
Nhưng nếu chúng ta áp dụng cách đối xử với trẻ nhỏ, ấn tượng đầu tiên của ta sẽ khác: có thể đêm qua họ ngủ không ngon và quá kiệt sức để nghĩ thông suốt; có lẽ họ bị đau đầu gối; có thể họ đang thử nghiệm giới hạn sức chịu đựng của ba mẹ.
Từ cái nhìn đó, hành vi trưởng thành của người yêu không bỗng nhiên trở nên đẹp đẽ hay chấp nhận được. Nhưng ta sẽ không thấy kích động nữa. Sẽ thật ấm áp khi sống trong một thế giới dạy ta cách bao dung với trẻ em; và còn tốt hơn nếu ta học được cách rộng lượng hơn với phần con trẻ trong một người lớn.
Suy nghĩ cho rằng trong nhiều thời khắc quan trọng, chúng ta vẫn luôn cư xử như trẻ con nghe có vẻ lạ lùng, thậm chí hạ thấp mình hay thật tuyệt vọng, bởi bề ngoài rõ ràng ta là người trưởng thành. Nhưng, yêu với lòng rộng lượng nghĩa là nhận ra phần tâm hồn luôn bị trói buộc trong suy nghĩ từ hồi mới chào đời.
Nhìn người bạn đời theo cách này sẽ có ích trong những lúc khó khăn khi người yêu nổi giận bất thường, cáu kỉnh hay hung hăng. Khi người yêu không đủ trưởng thành như ta mong đợi, và ta thô bạo gắn cho họ cái mác “cư xử trẻ con” mà không hề để ý, ta cứ nghĩ mình đang tiến gần với một lý tưởng, nhưng rồi ta nhận ra đó chỉ là một lời buộc tội, mà trong khi điều cần làm là chấp nhận một nét tính cách rất bình thường của con người.
Nét trẻ con còn sót lại trong người yêu của ta không phải tội lỗi hay thiếu sói đặc biệt, mà là một đặc tính bình thường mà ai cũng có. Trưởng thành không chỉ là một trạng thái hoàn chỉnh vì thời ấu thơ vẫn luôn tồn tại trong ta, dù nhiều hay ít. Vì thế, ta cần tiếp tục bao dung với những người trưởng thành như cách ta đối xử với con trẻ.
Khả năng tiếp tục thương yêu và giữ bình tĩnh của chúng ta khi ở cạnh trẻ em có cơ sở là nhận định cho rằng chúng không thể giải thích được cái gì đang thực sự làm phiền chúng. Ta luận ra nguyên nhân thực sự của nỗi buồn đến từ những biểu hiện bên ngoài của cơn thịnh nộ của trẻ con – bởi ta hiểu gần như không có đứa trẻ nào có khả năng tự nhận biết và nói lên chính rắc rối của mình.
Đối xử dịu dàng với phần con trẻ bên trong người yêu không có nghĩa là xem họ như một đứa bé, không cần phải vẽ ra thời gian biểu quy định thời gian họ được xem ti vi hay thưởng kẹo khi họ cư xử ngoan ngoãn. Việc này nghĩa là khoan dung để hiểu được điều họ thật sự muốn nói đằng sau lời mắng nhiếc “Đồ tồi tệ” có thể mang nghĩa rằng: công việc thật mệt mỏi và mình đang cố tỏ ra mạnh mẽ và độc lập hơn những gì tôi thật sự cảm thấy; hay lời trách móc “anh/cô chẳng hiểu tôi!” có thể thật sự nghĩa là “tôi rất sợ và giận giữ mà chẳng hiểu tại sao, làm ơn hãy hiểu tôi.”
Sẽ thật lý tưởng nếu ta dành thời gian an ủi nhau thay vì cãi cọ
Thay vì chấp nhặt người yêu vì những điều khó chịu họ lỡ nói hãy coi họ như đưa trẻ bị kích động đang mắng nhiếc người chúng yêu thương nhất vì họ không thể làm gì khác. Ta nên cố gắng an ủi, cho họ thấy họ vẫn ổn, chứ không phải cũng nổi cáu và trả đũa lại họ.
Tất nhiên, cư xử trưởng thành với một người lớn có tâm hồn trẻ con khó hơn chơi với một đứa trẻ thật sự rất nhiều. Bởi lẽ những gì trước mắt ta không phải là đứa trẻ. Người lớn còn gặp nhiều khó khăn hơn gấp bội vì phải sống trong hình hài trưởng thành, nên thường xuyên quên mất rằng bên trong mình vẫn chưa hoàn toàn lớn.
Đương nhiên, đây không thể là ý thức một chiều. Khả năng khoan dung với đứa trẻ bên trong người yêu liên quan tới nhận thức rằng chúng ta cũng cần được khoan dung. Hai người yêu nhau có thể đổi vai. Ta có thể cố gắng chấp nhận đứa trẻ chỉ mới ba tuổi trong nội tâm của người yêu, một phần vì biết rằng cũng có lúc ta cần họ làm điều tương tự cho mình.
Việc thấu hiểu nội tâm của ngưởi khác một phần phản ánh sự cảm thông mà chúng ta luôn cần dành cho chính mình và mọi người. Chúng ta cần tưởng tượng ra nỗi hoang mang, thất vọng, lo lắng và bối rối cực độ trong khi họ thể hiện sự hung hăng ra bên ngoài. Người yêu của ta có thể cao lớn và đã đi làm như một người đã trưởng thành, nhưng đôi khi hành vi của họ có thể không giống vậy.
Khi họ cư xử tệ hại, dù không nói nhưng suy nghĩ thật sự của họ là: “Mình vẫn còn là đứa trẻ, và giờ đây mình cần được ôm vào lòng. Mình cần cậu hiểu thật ra điều gì đang làm mình mệt mỏi, như cách mọi người vẫn hiểu cho mình khi mình còn là đứa trẻ, khi lần đầu tiên mình biết thế nào là tình yêu.”
Luôn không thích bị đối xử như một đứa trẻ, rồi ta quên mất rằng đôi khi thật may mắn khi được ai đó hiểu thấu phần trẻ con trong tâm trí của mình, và gắn bó, bao dung cho đứa trẻ đang thất vọng, giận dữ, cô lập hay bị tổn thương ấy.
Trọng tâm của suy nghĩ yêu-là-rộng-lượng chính là khả năng thấu hiểu. Tính cách mỗi người thường dễ bị hiểu nhầm. Có thể ta sẽ yếu đuối khi cần yêu thương, nhưng sự mong manh dễ tổn thương của hầu hết mọi người thường được giấu bên trong tính cách hung hãn và giận giữ thể hiện bên ngoài.
Biết cách yêu nghĩa là đẩy tâm trí vượt ra khỏi những gì mắt thấy tai nghe, hay tưởng tượng những gì không thể nhìn thấy. Ta cần đoán người yêu của mình đang lo lắng, chứ không phải xấu tính; hay đang sợ hãi, chứ không mất trí.
Khả năng tưởng tượng này chính là bí mật đằng sau những cuốn tiểu thuyết ta vẫn luôn ngưỡng mộ. Những nhà văn vĩ đại nhất đưa chúng ta vượt ra ngoài định kiến về tính cách, khi giới thiệu những nhân vật tưởng như đồi bại, rồi dùng năng lực thiên tài của mình để nói về tính nhân văn đằng sau những nhân vật phản diện như gái làng chơi, dân cờ bạc, nghiện ngập hay kẻ ngoại tình.
Được yêu có thể là sự hài lòng khi được ngưỡng mộ, nhưng hơn cả điều đó, là cảm giác sâu sắc và gần gũi với bản chất của tình yêu: được bao dung và thấu hiểu trong những lúc xấu xí, khi không còn khả năng kiểm chứng bất kỳ đức tính tốt đẹp của mình, khi để lộ vết thương lòng. Ta biết mình cuối cùng cũng cảm thấy được yêu khi tất cả tổn thương, sợ hãi, lo âu và buồn đau được đáp lại với lòng dịu dàng.
Khi ta ngừng yêu vì ngưỡng mộ và chuyển sang yêu với lòng rộng lượng thì việc ta yêu ai dường như không còn là vấn đề quan trọng. Chính công nghệ đã khiến ta trở nên quá kén chọn. Ta cứ giữ trong đầu quá lâu suy nghĩ về “một người đặc biệt”, một người có đủ đức tính tốt đẹp và thành tựu to lớn. Rồi ta trở nên mất kiên nhẫn, và chia tay với người yêu hiện tại để tìm và yêu một người khác hoàn hảo hơn.
Một khi ta thật sự hiểu tình yêu chính là lòng rộng lượng, ta có thể chấp nhận rằng: yêu ai không quan trọng. Hãy thử nghĩ về ý tưởng lạ lùng mà lại rất uyên thâm rằng ta có thể yêu bất kỳ ai, vì chúng ta đã trở nên quá cô lập với những gì mong manh, tinh khiết nên xứng đáng được đồng cảm từ trong trái tim buồn bã và tổn thương.
Nhà tư tưởng lỗi lạc nhất thời trung cổ Thomas Aquinas xác định: Người thực sự hiểu được tình yêu có thể yêu bất cứ ai. Nói cách khác: tình yêu thực sự không cần có mục tiêu cụ thể; cũng không hướng đến một phẩm chất đặc biệt, mà rộng mở với tất cả mọi người, thậm chí (và theo một cách đặc biệt nào đó) những điều kém hấp dẫn nhất.
Thời nay, quan niệm này nghe có vẻ rất kỳ lạ, vì những ý tưởng nền tảng của chúng ta về tình yêu dường như gắn chặt vào kinh nghiệm xúc cảm: tìm thấy một người đặc biệt vô cùng hấp dẫn, thú vị và không hề khiếm khuyết ở điểm nào.
Tình yêu, như chúng ta cảm thấy, là phản ứng với vẻ ngoài hoàn hảo của một người. Trọng tâm của tình yêu kiểu này là cố gắng nhìn sâu vào bên trong vẻ ngoài không mấy hấp dẫn của một người nào đó – để tìm thấy nội tâm nhạy cảm, thú vị, e dè và dễ tổn thương sâu bên trong họ.
Điều này không có nghĩa ta nên gạt bỏ mọi tiêu chí khi tìm kiếm “nửa kia” của mình, mà là một cách khẳng định rằng, kể cả người hoàn hảo nhất cũng cần được ta bao dung bằng trí tưởng tượng khi ta cố gắng thỏa hiệp với những góc tối xấu xí của họ. Và tất nhiên, bao dung không chỉ là hành động một chiều. Chúng ta đều cần được luôn luôn thấu hiểu và thông cảm để được giải thoát khỏi việc bị coi là quái vật vào những thời điểm khó khăn nhất.
Nguồn: Bài viết được chọn lọc và trích dẫn bởi đội ngũ Science Realm từ bài viết gốc “Bao dung – Bí mật của tình yêu vĩnh cửu” (dịch từ “Love as generosity” – The book of life) của Tâm Lý Học Tội Phạm.
Để lại bình luận