Alan Turing, người đồng tính vĩ đại, cha đẻ của máy tính lại bị đối xử bất công ở cuối đời nhưng lại đang được tái sinh trong tâm thức của nhiều người trên khắp thế giới.
Nếu bạn đang đọc những dòng chữ này trên một chiếc máy tính thì hãy nên dành một lời cảm ơn đến Alan Turing vì chính ông là người đầu tiên đặt nền móng cho tin học và máy tính. Sự hồi sinh của ông là được ẩn dụ qua sự kiện Anh quốc sẽ cho ra tờ giấy bạc mệnh giá £50 với ảnh của nhà toán học Alan Turing và sẽ được lưu hành vào cuối năm 2021. Nên hãy cùng mình đi qua cuộc đời của ông trong bài viết này để chúng ta có thể hiểu rõ được rằng vì sao quyết định của Anh quốc ở trên là một tin mang ý nghĩa vô cùng to lớn đến nhiều người trên thế giới như vậy nhé.
1. Cuộc đời:
Alan Mathison Turing sinh ngày 23 tháng 6 năm 1912 tại Maida Vale, London, vương quốc Anh. Năm 14 tuổi ông vào học trường nội trú nổi tiếng có tên Sherborne, ông tỏ ra say mê và có năng khiếu về toán và khoa học, tới mức chỉ học hai môn này mà bỏ các môn khác. Ông được mọi người miêu tả là người mắc hội chứng autism-Asperger, các biểu hiện như là thích cô lập với xã hội, không thích những trò chơi tập thể, vụng về trong cuộc sống và kèm theo đó là sự mày mò học hỏi sáng tạo không ngừng nghỉ.
Trong khoảng thời gian học trung học, ông đã nhận ra bản thân mình là người đồng tính và tình yêu thời tuổi trẻ của ông dành cho một người bạn học có tên Christopher Morcom, một người với số phận bi đát đã mất vì bệnh lao trước khi tốt nghiệp trung học. Có thể đây chính là một biến cố lớn của Turing và gây nên vết thương lòng lớn khiến ông không dễ dàng mở lòng để tiến đến mối quan hệ riêng tư thêm nữa.
Sự nghiệp nổi tiếng của Turing bắt đầu bằng một bài báo liên quan đến bài toán thứ 3 của nhà toán học Đức David Hilbert đặt ra. Năm 1928, tại Hội nghị toán học thế giới lần thứ VIII tại Bologna, Ý, Hilbert đặt ra ba vấn đề cần được giải quyết như sau:
(1) Tính nhất quán (Consistency): Một hệ thống toán học các tiên đề được gọi là nhất quán khi không bao giờ có thể chứng minh mệnh đề P và vừa không(P), cho mọi mệnh đề P có thể diễn tả trong hệ thống.
(2) Tính đầy đủ (Completeness): Một hệ thống như thế luôn luôn cho phép chứng minh hoặc P và không(P).
(3) Tính quyết định được, Entscheidungsproblem, của toán học: Cho mỗi một mệnh đề P của toán học, có thể quyết định được nội trong một thời gian hữu hạn, rằng P có được suy diễn ra từ những tiên đề đã cho hay không.
Khi giới Toán học thế giới vẫn đang vô cùng bất ngờ về câu trả lời “không” dành cho hai tính chất đầu tiên bởi Định ký bất toàn của Kurt Gödel, bác bỏ câu trả lời “có” dành cho hai tính chất đó của chính Hillbert vào trước đó thì tính chất thứ 3 vẫn chưa có một ai đưa ra được câu trả lời.
Sau khi biết về vấn đề trên, Turing đã là việc cật lực từ xuân 1935 đến 1936 để trả lời được câu hỏi thứ 3. Và với sự gợi ý của giáo sư toán Max Newman ở Cambridge, người dạy Turing về vấn đề của Hillbert thì Turing đã nghĩ đến “máy ảo” (imaginary machine) làm nhiệm vụ “quá trình cơ khí” để xác định một mệnh đề logic cho trước và áp dụng vào bài toán. Và cuối cùng ông đã chứng minh được bài toán thứ ba của Hilbert là bất khả, nhờ sử dụng cái mà sau này được gọi là máy Turing, Là tiền đề cho máy tính cũng như là tin học.
Nhưng có lẽ chúng ta biết đến ông nhiều hơn nhờ bộ phim The Imitation Game (2014) thuật lại câu chuyện có thật trong lịch sử về việc Turing chỉ đạo và thiết kế ra được máy giải mã enigma của Đức quốc xã, một loại mã để dịch cách thông tin truyền qua xung vô tuyến dưới dạng điện báo Morse. Đây là mấu chốt quan trọng để chấm dứt cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 dai dẳng, và theo nhiều chuyên gia đánh giá thì cuộc chiến đã chấm dứt sớm 2 năm, giảm thiểu vô số thương vong cũng như chi phí chiến tranh và tất cả là nhờ vào Turing và những đồng nghiệp của ông. Và hãy tưởng tượng xem, vào thời gian đó Đức đang là quốc gia đi đầu trong ngành Khoa học nguyên tử, nếu cuộc chiến kéo dài thêm thì không biết được rằng lợi thế sau đó sẽ thuộc về phe nào, Thủ tướng Brown cũng viết: “Nếu không có cống hiến xuất sắc của Turing, lịch sử Thế chiến II có thể đã rất khác.”
Mặc dù đóng góp vô cùng lớn cho chiến tranh là vậy nhưng tất cả các thông tin của nhóm giải mã đều là tuyệt mật quốc gia và bị thiêu hủy sau khi chiến tranh kết thúc không lâu. Tất cả thành tựu khoa học cùng công trạng to lớn của Turing hầu như không ai biết đến cả. Từ năm 1945, ông kiêm nhiệm làm việc tại Phòng Thí nghiệm Vật lý Quốc gia, nghiên cứu lý luận máy tính. Năm 1946 ông được Hoàng gia Anh tặng huân chương OBE, một vinh dự khá cao. Những năm 1947-1948 ông nghiên cứu vấn đề trí tuệ nhân tạo, làm Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm tính toán tại Đại học Manchester. Năm 1949 Turing trở thành nhà khoa học đầu tiên thực tế dùng máy tính để nghiên cứu toán học. Năm 1950 ông công bố luận văn “Máy tính và trí năng”, đưa ra “Phép thử Turing” (Turing Test) nổi tiếng, đặt nền móng cho khoa học trí tuệ nhân tạo. Năm 1951 ông bắt đầu nghiên cứu lý thuyết phi tuyến tính của các sinh vật. Ở tuổi 39, Turing được bầu làm thành viên Hội khoa học Hoàng gia (chức danh này còn gọi là viện sĩ).
Nhưng tiếc thay mọi biến cố xảy đến với Turing khi ông bị phát hiện là người đồng tính vào năm 1952, với luật pháp thời bấy giờ, Turing bị kết tội “làm bại hoại thuần phong mỹ tục”, “gross indecency” từ chính quốc gia mang ơn ông. Để “trừng phạt” cho tội lỗi đó, ông bị buộc phải tiêm hooc-môn nữ vào người hay còn biết đến như là biện pháp “thiến bằng hóa chất”. Bản án đã gây ảnh hưởng tiêu cực vô cùng lớn đến cả thể xác lẫn tâm hồn Turing dẫn đến việc ông tự kết liễu bản thân vào ngày 7 tháng 6 năm 1954 khi chỉ mới chuẩn bị bước sang tuổi 42, tuổi còn nhiều đóng góp hứa hẹn cho thế giới và không bao giờ có thể nhìn thấy được sự phát triển vượt bật của ngành Khoa học mà ông đã bắt đầu.
2. Lời xin lỗi muộn màng của thế giới:
Với cống hiến Khoa học khổng lồ và chiến tích hiển hách trong chiến tranh nhưng thay vì được trở thành con người đáng tự hào của Anh Quốc thì ông lại không thực sự được công nhận một cách thỏa đáng chỉ bởi vì sự kì thị đối với người đồng tính. Cho đến năm 2009, chính phủ Anh đã phải công khai gửi lời xin lỗi có lẽ là khá muộn màng này đến Turing.
Từ năm 1965, hiệp hội máy tính của Mỹ, Association for Computing Machinery, thành lập Giải thưởng A. M. Turing để vinh danh ông; giải này được xem là giải Nobel cho tính toán.
Năm 2014, bộ phim vô cùng thành công The Imitation Game đã được ra mắt để kể về chiến tích lẫy lừng trong chiến tranh cũng như cái chết đầy đau khổ của Turing. Có thể xem đây là bộ phim tưởng niệm ông và là một trong những bộ phim tiểu sử và chiến tranh đáng xem nhất.
Và nay, như mình đã đề cập ở đầu bài, ngay trong năm 2019 này mình nhận được thông tin trên một trang báo Mỹ cho biết rằng ngân hàng Trung ương Anh quốc quyết định cho ra tờ giấy bạc mệnh giá £50 với ảnh của nhà toán học Alan Turing và sẽ được lưu hành vào cuối năm 2021. Đó chính là tin mừng cho những nhà Khoa học ngưỡng mộ cống hiến của Turing và cũng như là cộng đồng những người đồng tính trên toàn thế giới. Đây được xem như là sự tôn trọng về những đóng góp to lớn của ông, cũng như khẳng định sự bình đẳng của con người ở lãnh vực trước đây còn đầy bóng tối. Chính chúng ta cũng phải tự nhắc nhở bản thân rằng thế giới rồi cũng sẽ còn mất đi nhiều nhân tài với tiềm năng to lớn nữa nếu quốc gia đó vẫn còn tồn tại phần lớn những “ý thức hệ thù hằn” về tôn giáo, chính trị, ý thức hệ, về giới tính,…
Có thể dù người thời nay có làm bất kì thứ gì cũng không thể bù đắp được tội lỗi đã gây ra cái chết oan uổng cho những người trong quá khứ, nhưng quan trọng là chúng ta đã biết ra sai lầm đó và cố gắng hết sức để sửa sai. Ta không thể che giấu mọi thứ với tương lai được đâu, nếu bây giờ dù có cố gắng che đậy những sai lầm mà ta gây nên, thì trong tương lai, không sớm thì muộn cũng sẽ có người tìm ra và đến lúc đó ta cũng phải trả mà thôi.
Nguồn: Được tổng hợp bởi ScienceRealm từ ‘’Alan Turing được giải hạn và hồi sinh’’ của tác giả Nguyễn Xuân Xanh và nghiencuuquocte.org
Để lại bình luận