Khoa học hiện nay đã có thể đưa cơ thể người vào trạng thái “đóng băng” (suspended animation) để kéo dài sự sống.
Về cơ bản, trạng thái “đóng băng” ở đây tức là đưa nhiệt độ cơ thể giảm xuống một mức đủ thấp để làm chậm các hoạt động sống của cơ thể đến mức tối đa, giúp kéo dài sự sống so với khi hoạt động bình thường.
Nghe tiêu đề trên thì có lẽ nhiều bạn sẽ nghĩ ngay đến những hình ảnh mang đậm tính “khoa học viễn tưởng” thường thấy trên phim. Rất tiếc phải thông báo rằng việc đưa kể thể người vào trạng thái ngủ đông để kéo dài sự sống thêm hàng trăm năm hiện Khoa học vẫn chưa thể thực hiện được. Nhưng tuyệt vời thay, một phiên bản rút ngắn của quá trình trên đã được thực nghiệm và thành công với mục đích kéo dài thời gian cho những ca cứu chữa nguy cấp.
Kỹ thuật này có tên là “Bảo vệ và hồi sức khẩn cấp” – Emergency Preservation and Resuscitation (EPR) và đã được thử nghiệm tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở Baltimore (Hoa Kỳ) trên những bệnh nhân bị chấn thương cấp tính nghiêm trọng do dao đâm hoặc đạn bắn. Trong các trường hợp này, người bệnh thường mất hơn một nửa lượng máu trong cơ thể và rơi vào tình trạng trụy tim. Khi ấy, các bác sỹ phải thực hiện phẫu thuật khẩn cấp trong vòng vài phút và thông thường bệnh nhân chỉ có chưa đầy 5% cơ hội sống sót.
Với EPR, bệnh nhân được làm lạnh nhanh chóng bằng cách rút sạch máu và thay thế bằng nước muối đông lạnh. Khi đó, nhiệt độ cơ thể của người bệnh sẽ hạ xuống 10-15 độ C và khiến tim cũng như các hoạt động của não gần như ngừng hoàn toàn.
Ở nhiệt độ cơ thể bình thường (khoảng 37 độ C), các tế bào cần một nguồn cung cấp oxy liên tục để duy trì sự sống, nhưng việc hạ thấp nhiệt độ cơ thể sẽ làm chậm hoặc dừng các phản ứng hóa học, do đó các tế bào sẽ cần ít oxy hơn. Bộ não con người có thể tồn tại trong khoảng 5 phút nếu không oxy, tuy nhiên với liệu pháp EPR, tình trạng mất máu và trụy tim bị chặn đứng, nhờ đó, các bác sỹ sẽ có 2 giờ đồng hồ để xử lý vết thương của bệnh nhân cho đến khi cơ thể của họ ấm lên và tim hoạt động trở lại. Thông thường, những ca phẫu thuật nghiêm trọng thất bại do bác sỹ không có đủ thời gian chứ không hoàn toàn do độ nguy hiểm của vết thương.
Theo Samuel Tisherman, bác sỹ thuộc nhóm nghiên cứu tại Baltimore, toàn bộ kết quả thử nghiệm dự kiến có thể được công bố vào cuối năm 2020 sau khi tiến hành thử nghiệm trên 10 bệnh nhân khác. Trên thực tế, vẫn còn một số vấn đề cần phải nghiên cứu liên quan đến liệu pháp này. Mặc dù nhóm của Tisherman có thể “làm lạnh” cho bệnh nhân trong 2 giờ đồng hồ, nhưng không biết được chính xác thời gian một người có thể ở trong trạng thái này mà không phải chịu tác dụng phụ. Tuy nhiên, Tisherman cho biết nhóm của mình đang nỗ lực tìm tòi và nghiên cứu trong quá trình thử nghiệm. “Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi không cố gắng đưa con người lên Thổ tinh, chúng tôi chỉ muốn có thêm thời gian để cứu người mà thôi.”
Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều câu hỏi xoay quanh phương pháp trị liệu mới này bởi vì tính an toàn của nó vẫn còn là một ẩn số. Nhiều nhà khoa học lo sợ rằng các tế bào có thể bị tổn thương sau phẫu thuật gây nên những biến chứng nguy hiểm. Các thử nghiệm đã thực hiện sẽ so sánh kết quả của 20 người đàn ông và phụ nữ được áp dụng EPR và kết quả đầy đủ dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay. Vậy nên có lẽ chúng ta không thể làm được gì khác ngoài việc chờ đợi xem liệu đây có phải là một bước tiến Y học lớn của nhân loại hay không.
? Nguồn: Bài viết được tổng hợp và từ TrithucVN kết hợp với các tài liệu chuyên môn khác từ Wikipedia, Science Direct và frontiersin.
Để lại bình luận