Năm 1848, Edmond Becquerel đã tạo ra bức ảnh màu đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn 170 năm, chúng ta mới biết được bức ảnh màu đầu tiên được tạo ra như thế nào.
Bức ảnh màu đầu tiên trên thế giới có tuổi đời từ năm 1848
Nó được tạo ra bởi nhà vật lý học người Pháp Edmond Becquerel tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris, chỉ đơn giản là hai dải màu phủ một lớp bạc.
Để giải mã bí ẩn kéo dài 172 năm, các nhà khoa học từ ba viện nghiên cứu tại Paris bao gồm: Trung tâm nghiên cứu bảo tồn Pháp, Phòng thí nghiệm vật lý chất rắn và cơ sở nghiên cứu gia tốc hạt Synchrotron Soleil đã hợp tác để tái hiện lại quy trình của Becquerel bằng cách sử dụng các dải màu tím trên một tấm phim ion hóa bằng bạc.
Về lý thuyết, ánh sáng chính là bức xạ điện từ có bước sóng nằm trong vùng quang phổ nhìn thấy được bằng mắt thường của con người. Nếu một màu sắc được tạo ra do chất nhuộm màu phản ứng với ánh sáng, các sắc độ khác nhau của màu sẽ có các thành phần hóa học khác nhau. Điều này cũng đã được chứng minh bằng các phép quang phổ học hiện đại.
Hình ảnh của Becquerel mô tả quang phổ mặt trời (https://bit.ly/3cGI0o2) – gồm một chuỗi liên tục các sóng điện từ khác nhau tạo nên năng lượng bức xạ mặt trời. Bước sóng càng dài, năng lượng sẽ càng thấp. Chẳng hạn, sóng hồng ngoại sẽ có mức năng lượng ít hơn tia cực tím hoặc ánh sáng khả kiến (ánh sáng quan sát được bằng mắt thường).
Chỉ đến khi kiểm tra kỹ các đĩa màu, các nhà khoa học mới phát hiện, nhà vật lý học đã giấu các hạt nano bạc có ánh kim bên trong một ma trận tạo bởi các hạt bạc clorua đặt trên đĩa bạc để chụp lại hình ảnh. Các hạt nano này có tính cảm quang tương tự như giấy in ảnh bạc clorua ngày nay.
Các nhà khoa học phỏng đoán rằng sự thay đổi màu sắc xảy ra là do sự biến đổi màu sắc ánh sáng, cũng như kích thước và vị trí khác nhau của các hạt nano bạc trên đĩa. Chẳng hạn, màu đỏ và màu xanh sẽ biểu thị sự phân bố các hạt nano bạc khác nhau, khiến đĩa hấp thụ tất cả các màu sắc của ánh sáng và chỉ để lại duy nhất màu sắc chúng ta nhìn thấy.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu kết luận, Becquerel đã tạo ra tấm ảnh màu đầu tiên trên thế giới bằng cách cho một tấm phim bạc tiếp xúc với quang phổ nhìn thấy được, tạo ra phổ màu như trên ảnh.
Trên thực tế, tên tuổi Edmond Becquerel gắn liền với phát hiện về hiện tượng quang điện, chứng minh rằng các vật liệu khi tiếp xúc với ánh sáng có thể tạo ra điện áp và dòng điện. Lý thuyết quang điện chính là lý thuyết nền tảng cho việc phát triển pin mặt trời ngày nay. Bên cạnh đó, Henri Becquerel, con trai của Edmond, chính là một trong những người đầu tiên phát hiện ra phóng xạ tự nhiên.
Nguồn: Bài viết được tổng hợp bửi đội ngũ Science Realm từ Khoa Học Phát Triển và Popular Mechanics.
Để lại bình luận