Nếu các bạn là fan của những dòng game bắn súng hay chiến tranh như Call of Duty, Battlefield,…, bạn chắc hẳn đã từng nghe đến thuật ngữ này, và biết rằng EMP là một thứ gì đó có khả năng làm hỏng các thiết bị điện.
Đúng vậy, EMP (electromagnetic pulse – xung điện từ), còn được biết đến với tên gọi bom điện từ, là một vũ khí chiến lược, có khả năng tạo ra một trường điện từ cực lớn, “nướng chín” các thiết bị điện tử trong một khu vực diện rộng.
Mặc dù thuật ngữ EMP mới xuất hiện trong thời gian gần đây nhưng khái niệm về vũ khí xung điện từ đã có từ rất lâu, bắt nguồn từ các nghiên cứu về vũ khí hạt nhân của Mỹ trong những năm 1950. Từ năm 1958, khi tiến hành thử nghiệm bom khinh khí (bom H – vũ khí nhiệt hạch), các nhà khoa học phát hiện một vụ nổ thử trên biển Thái Bình Dương đã gây cháy nổ các đèn chiếu sáng tại một hòn đảo ở Hawaii cách nơi tiến hành vụ nổ hàng trăm km. Vụ nổ cũng đã làm gián đoạn hoạt động của các thiết bị radio ở tận châu Úc. Các nhà khoa học bắt đầu coi đây là một khả năng có thể khai thác trong lĩnh vực quân sự. Từ đó Mỹ bắt đầu đi tiên phong trong việc nghiên cứu bom xung điện từ (EMP).
EMP là loại vũ khí năng lượng trực tiếp dựa trên ứng dụng bức xạ điện từ
Loại vũ khí này được thiết kế để phá hủy các cơ sở vật chất có sử dụng điện và điện tử ở một mục tiêu nhất định. Hầu hết các thiết bị ngày nay đều sử dụng điện, và chúng sẽ bị vô hiệu hóa nếu bị bom EMP tác động. Cấu tạo của bom xung điện bao gồm một khối hình trụ làm bằng thép chịu lực (phần lõi).
Bên trong lõi này chứa đầy chất nổ mạnh. Bao bọc bên ngoài lõi là các cuộn dây kim loại. Một bộ tụ điện được kết nối với các cuộn dây để tạo ra dòng điện chạy qua phần lõi. Khi phát nổ, EMP sẽ tạo ra một trường điện từ cực lớn làm nghẽn mạch và vô hiệu hóa các thiết bị điện tử trong phạm vi tác chiến. Như đã nói ở trên, EMP cũng được tạo ra bởi một vụ nổ hạt nhân (nuclear EMP, NEMP).
Hãy tưởng tượng khu bạn sống bị mất điện
Không có Wifi, bạn sẽ phải truy cập 3G/4G và không muốn xem Youtube vì rất ngốn dữ liệu (tin mình đi, 3G Viettel vừa đắt vừa tốn). Bạn sẽ không thể bật quạt nếu trời nóng, hoặc xem TV khi chán. Nếu đến tối vẫn chưa có điện, bạn có thể ra ngoài sân ngắm trăng và hồi tưởng về thời thơ ấu giống như trong các tác phẩm văn học lãng mạn. Nhưng trên chiến trường thì không ai có thể lãng mạn trong hoàn cảnh này đâu. Radar bị vô hiệu hóa? Bạn sẽ không biết địch ở đâu, khi nào địch đến, dàn trận ra sao.
Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia mất tác dụng?
Bạn có thể bị “trồng nấm” ở bất cứ đâu trên lãnh thổ mình. Thông tin liên lạc bị tê liệt? Xin chúc mừng, bạn đã nắm chắc 90% khả năng thua trong một cuộc chiến tranh hiện đại. Ngoài ra, các loại vũ khí không dùng điện như súng máy hay pháo phòng không có thể vẫn hoạt động nhưng hiệu quả chiến đấu sẽ bị suy giảm do các hệ thống chỉ thị mục tiêu đã bị vô hiệu hóa.
Không những vậy, các hệ thống cơ sở hạ tầng dân sự cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề: khả năng ứng cứu khẩn cấp giảm mạnh, tính mạng hàng nghìn người bị đe dọa, thiệt hại sản xuất vô cùng lớn, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội,… Do đó, một quả EMP đúng lúc, đúng nơi có thể thay đổi hoàn toàn cục diện của cả một cuộc chiến, dẫn đến việc nó là một trong những vũ khí chiến lược lợi hại nhất trong thời hiện đại này.
Nguồn: Bài viết được tổng hợp bởi Science Realm từ Wikipedia và news.zing.vn
Để lại bình luận