Nói một cách đơn giản nhất thì đó là giới hạn về số người mà chúng ta có thể duy trì mối quan hệ xã hội ổn định. Đó là những mối quan hệ mà bạn biết rõ về từng người khác cũng như những mối quan hệ của người đó với những người khác.
Con số này do nhà nhân chủng học, nhà tâm lý học tiến hóa người Anh Robin Dunbar đưa ra sau khi tìm thấy mối tương quan giữa kích thước não của các loài linh trưởng và kích thước trung bình của các nhóm xã hội tương ứng. Dựa trên kích thước trung bình của não người và ngoại suy từ kết quả nghiên cứu trên các loài linh trưởng, ông đề xuất rằng con người chỉ có thể duy trì được 150 mối quan hệ bền vững.
Ông tập trung nghiên cứu về tập quán xã hội của khỉ chó (gelada), một loài khỉ chỉ tìm thấy ở những vùng cao nguyên của Ethiopian và có quan hệ gần gũi với khỉ đầu chó (baboon). Loài gelada hấp dẫn ông vì sự kỳ lạ trong hệ thống xã hội của chúng, đó là những nhóm gia đình nhỏ kết hợp với nhau thành một đàn lớn; đặc điểm liên kết xã hội mơ hồ này cũng giống với những tộc người săn bắn hái lượm hiện đại. Nó được gọi là hệ thống xã hội phân-kết (fission-fusion social system) và chỉ có ở hai loài khỉ trong hơn 300 loài linh trưởng (không tính con người).
Tập quán chải lông của loài khỉ này thực sự làm ông quan tâm. Đối với gelada cũng như nhiều loài linh trưởng khác, chải lông để vệ sinh chỉ là một phần vì đó còn là một dạng thắt chặt quan hệ. Cuộc sống của loài gelada cũng đầy những mối quan hệ xã hội phức tạp như sự hình thành bè phái, liên minh cũng như âm mưu của các nhóm nên những con khỉ này phải thắt chặt tình hữu nghị bằng cách bắt chấy rận và mát xa cho nhau. Nhóm càng lớn thì sự thể hiện này càng rõ ràng và phức tạp. Dunbar bắt đầu tự hỏi những đặc điểm nào có tương quan với độ lớn của nhóm.
Năm 1992, Dunbar đã trả lời câu hỏi của mình: kích thước não. Các nhà khoa học từ lâu đã băn khoăn với câu hỏi tại sao những loài linh trưởng lại có bộ não lớn như vậy. Não lớn giúp giải quyết những vấn đề trong đời sống xã hội. Sống theo những nhóm lớn mang lại lợi thế quan trọng như khả năng chống chọi với kẻ thù tốt hơn, nhưng sống chung cũng tạo ra những khó khăn khi sự cạnh tranh bắt đầu diễn ra giữa chính đồng loại. Khi quy mô nhóm tăng thì khối lượng dữ liệu mà não cần xử lý cũng tăng. Nhóm có năm thành viên sẽ có 10 mối quan hệ song phương giữa các thành viên; nhóm 20 có 190; nhóm 50 có 1.225. Đời sống xã hội như vậy đòi hỏi phải có vùng vỏ não nơi ý thức diễn ra, và vỏ não phải đủ lớn mới có thể xử lý. Trong công trình xuất bản năm 1992, Dunbar đã phân nhóm kích thước vỏ não của từng loài linh trưởng theo quy mô nhóm của chúng và thấy rằng vỏ não càng lớn thì nhóm càng lớn. Ngay cả loài linh trưởng thông minh nhất là chúng ta thì cũng không có khả năng xử lý để sống trong một nhóm lớn vô hạn. Để dự đoán quy mô nhóm đối với con người, Dunbar đã đưa chỉ số vỏ não của chúng ta vào đồ thị của ông và thu được con số 147,8.
Dunbar giải thích đơn giản rằng điều này cũng như bạn không thể thở dưới nước hay nhìn thấy sóng siêu âm bằng mắt thường, con người không thể duy trì nhiều hơn 150 mối quan hệ có ý nghĩa. Về mặt nhận thức, cấu tạo não của người không thể làm được điều đó. Một cộng đồng có nhiều thành viên hơn sẽ cần sự can thiệp về quy định, chế tài, luật lệ thống nhất cũng như một hệ thống quản lý hiệu quả. Công trình nghiên cứu này của ông được biết đến rộng rãi trong một cộng đồng đặc biệt, đó là những nhà lập trình ở Thung lũng Silicon chuyên làm về mạng xã hội. Ở Facebook và những công ty khởi nghiệp khác như Asana, Path, ý tưởng của Dunbar thường được dùng trong những thử nghiệm hay kế hoạch liên quan đến việc nhân bản, tăng cường tính năng động xã hội của thế giới tương tác ảo này. Những kỹ sư và nhà thiết kế phần mềm đang tư duy hay hoạch định dựa trên số Dunbar, ví dụ Path, một dịch vụ chia sẻ ảnh và gửi thông điệp trên thiết bị di động thành lập vào năm 2010, đã xây dựng theo lý thuyết này khi khống chế số lượng bạn của một người dùng là 150.
Nghiên cứu của Dunbar cho thấy dù công nghệ có tiến triển tới đâu thì nền tảng vẫn là con người và con người thì có những giới hạn. Đó cũng là thách thức cho cư dân của Facebook với friendlist đến hàng ngàn bạn bè. Tranh luận của những kiến trúc sư truyền thông xã hội là liệu những công nghệ thông minh nhất có giúp mở rộng thế giới xã hội của một người được không thì câu trả lời là chưa được – ít ra là trong hiện tại, nếu dựa vào thuyết của Dunbar.
Tóm lại, trừ khi bạn bán hàng online hoặc là người nổi tiếng, Facebook cá nhân tầm 150 bạn bè là ổn rồi.
Nguồn: Bài viết được tổng hợp bởi đội ngũ Science Realm từ cesti.gov.vn
Để lại bình luận