Thời kỳ Victoria được coi là thời kỳ của những bộ óc vĩ đại. Trong khi một số tên tuổi, chẳng hạn như Charles Darwin, đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của nhân loại về thế giới, một số nhà khoa học và những tư tưởng của họ không may chìm vào quên lãng. Tuy nhiên, Herbert Spencer lại nằm ở ranh giới giữa hai nhóm này.
Tác phẩm đầu tiên của Spencer viết về sự tiến hóa ra đời năm 1851, tám năm trước khi Darwin công bố công trình “Nguồn gốc của các loài”. Không phải Darwin, mà chính Spencer là người đã khai sinh ra cụm từ “sự sống sót của những kẻ phù hợp nhất” – cũng là cụm từ mà Darwin sử dụng xuyên suốt tác phẩm của mình.
Cụm từ này lần đầu xuất hiện trong tác phẩm Những nguyên lý Sinh học (1864) của Spencer, trong đó ông đã phát hiện sự song hành giữa những ý tưởng của mình và Darwin về thế giới tự nhiên: sự sống sót của những người phù hợp nhất của Spencer đã thể hiện khái niệm “chọn lọc tự nhiên” của Darwin. Nhờ vậy, vào những thập niên cuối thế kỉ 19, tên tuổi Spencer đã vang xa ra khắp toàn cầu.
Trong khi Darwin tập trung vào sinh học để nghiên cứu về sự tiến hóa, Spencer cho rằng tư duy tiến hóa có thể được áp dụng một cách rộng rãi hơn thế: nó điều khiển cả xã hội nói chung. Ngày nay, tên tuổi của Spencer gắn liền với “chủ nghĩa Darwin xã hội”, cho rằng những con người xứng đáng với thành quả mà họ tạo ra: người thành công xứng đáng được hưởng thành quả, còn kẻ thất bại đáng phải chịu sự thất bại do mình gây nên.
Các học giả và công chúng hiện đại, một cách dễ hiểu, không hề tán đồng với tư tưởng này.
Triết gia Daniel Dennett đã mô tả chủ nghĩa Darwin xã hội là “một sự áp đặt khiên cưỡng của tư duy Darwin để bảo vệ các học thuyết chính trị tàn nhẫn”, trong khi nhà báo Robert Wright cho rằng chủ nghĩa này “hiện đang nằm ở đáy thùng rác của lịch sử nghiên cứu về trí tuệ”. Tuy nhiên, một số sử gia và học giả, dù không phủ nhận rằng Spencer đã hiểu sai về lý thuyết của Darwin, vẫn đánh giá cao những di sản mà ông để lại.
Sinh ra ở Derby (Anh), Spencer chủ yếu dành thời gian tự học. Ông đã từng làm kĩ sư xe lửa và nhà báo trước khi đạt được tiếng vang nhờ các tác phẩm triết học. Các tác phẩm của Spencer được xuất bản bởi các tờ báo tri thức hàng đầu nước Anh và hàng loạt cuốn sách đầy tham vọng khác. Vì vậy, Spencer đã quyết định kiếm sống bằng việc viết lách. Chuyển đến London sinh sống, ông góp mặt vào câu lạc bộ những quý ông đẳng cấp nhất của thành phố và giao lưu với những nhà thông thái hàng đầu thời kỳ đó.
Bắt đầu nghiệp cầm bút vào năm 1860, Spencer tập trung hoàn thành “Hệ thống Triết học Tổng hợp”, chuỗi tác phẩm bao gồm nhiều tập bàn về sinh học, tâm lý học, xã hội học, đạo đức học và siêu hình học. Giống như Darwin, Spencer ấn tượng sâu sắc bởi sự tiến hóa với khả năng giải thích cho nhiều vấn đề và đã đẩy vấn đề đi xa hơn rất nhiều so với nhà khoa học đồng hương.
Spencer liên tục đặt câu hỏi về ý nghĩa của thuyết tiến hóa đối với sự hiểu biết của chúng ta về xã hội loài người, chính trị, tôn giáo, tâm trí và cho rằng sự tiến hóa chính là chất keo kết nối các triết lý tổng hợp này với nhau và khiến chúng trở thành một thế giới quan toàn diện. Theo quan điểm của Spencer về tiến hóa, thiên nhiên được coi là một lực lượng trường tồn, dẫn lối cho sự phát triển của các cá nhân và xã hội, với sức mạnh cạnh tranh cho phép kẻ mạnh phát triển và loại bỏ kẻ yếu.
Dù bị phản bác ở hiện tại, quan điểm của Spencer lại gây ấn tượng với rất nhiều nhà tư bản tự do kinh tế, bao gồm Andrew Carnegie đồng thời gây làn sóng giận dữ với cộng đồng theo chủ nghĩa xã hội. Các nhà tư duy thế hệ sau, đặc biệt trong giai đoạn đầu thế kỉ 20, đã chỉ trích logic của Spencer một cách nặng nề. Các nhà phê bình cáo buộc ông vì tư duy “ngụy biện chủ nghĩa tự nhiên” (naturalistic fallacy) – một hình thức ngụy biện suy diễn các nhận định về mặt đạo đức từ bản chất tự nhiên.
Gần đây, một vài học giả đã cố gắng vớt vát danh tiếng của Spencer. Năm 2014, một tổ hợp các bài luận văn có tiêu đề: “Những di sản của Herbert Spencer” đã khám phá ảnh hưởng rộng rãi và tính đa dạng bên trong tư tưởng của Spencer. Ví dụ, tác giả Mark Francis đã cho rằng dù tư tưởng của Spencer được dùng để biện minh cho chủ nghĩa bảo hoàng và các cuộc xâm lược, bản thân ông lại theo chủ nghĩa hòa bình và đã từng lên tiếng phản đối nước Anh tham gia chiến tranh Boer. Dù cho rằng chiến tranh là một phần thiết yếu của lịch sử nhân loại, Spencer tin rằng xã hội tiến bộ chính là xã hội hòa bình và bạo lực sẽ chỉ là vết tích của quá khứ.
Pamela Lyon (Đại học Adelaide) tranh luận rằng Spencer đã dùng chính cụm từ “sự sống sót của những kẻ phù hợp nhất” để mỉa mai chiến tranh và bạo lực. Thay vì coi thiên nhiên là thực tế tàn bạo, ông cho rằng thiên nhiên chính là một đặc ân và là một sự tiến bộ.
Theo tiêu chuẩn ngày nay, Spencer còn có thể được xem như người mang tư tưởng tiến bộ về giới tính khi cho rằng phụ nữ cũng có năng lực trí tuệ như nam giới và ủng hộ đòi quyền lợi chính trị và pháp luật hoàn thiện cho phụ nữ. Tuy nhiên, thái độ của ông với hôn nhân lại cho thấy biểu hiện mâu thuẫn. Ông đã từng chia tay với tiểu thuyết gia Mary Ann Evans vì cho rằng dù bản thân rất yêu thích tâm hồn của bà, song lại muốn cưới mẫu người phụ nữ xinh đẹp và nữ tính hơn.
Và Spencer đã sống độc thân cả đời, những năm tháng cuối đời, ông hoàn toàn cô đơn và bị cô lập. Ông đã dành gần hai thập kỉ để viết đi viết lại bộ hồi ký hai tập về mình, song lại chật vật trong việc kiểm soát hình ảnh cá nhân, thậm chí đòi lại những bức thư bản thân đã gửi đi để tiêu hủy vì sợ rằng chúng sẽ hủy hoại danh tiếng của mình.
Dù hiện tại các tác phẩm và tên tuổi của Spencer không được chú ý cho lắm, ông vẫn được ghi nhận là một tượng đài trong thời của mình. Chính dáng vẻ thông thái, tự tin và tầm nhìn đầy tham vọng đã khiến Spencer gây ấn tượng mạnh mẽ và được coi là một trong số ít những triết gia bao quát được giá trị của khoa học một cách toàn diện, ít nhất là những diễn giải khoa học của ông đã thể hiện được như vậy.
Nguồn: Bài viết được tổng hợp bởi đội ngũ Science Realm từ Khoa Học Khám Phá và Smithsonian Magazine.
Để lại bình luận