Hình ảnh của những con vật bị hóa đá ở hồ Natron có thể khiến cho bạn rùng mình khi liên tưởng đến không khí chết chóc của nó. Nhưng trên thực tế, không phải nước hồ này “độc hại” tới nỗi khiến cho những con vật chạm vào bị “hóa đá” ngay tức khắc, chỉ đơn giản là chúng đã chết ( hoặc chết đuối khi rơi xuống) và xác được lưu giữ lại dưới hình thái trên bởi những đặc tính hóa học của hồ.
Hồ Natron là một hồ muối ở vùng Arusha,Tanzania, Đông Phi. Mặc dù danh tiếng chết chóc của nó là vậy nhưng vẫn có những sinh vật cư ngụ tại đây. Hồ Natron là nhà của một số loài tảo đặc hữu , động vật không xương sống và vài loài chim, thậm chí một vài loài cá cũng có thể sinh tồn. Hồ tử thần này là nơi lý tưởng duy nhất cho chim hồng hạc làm tổ trong mùa sinh sản. Đây là khu vực sinh sản thường xuyên của khoảng 2,5 triệu con hồng hạc.
Tuy nhiên, không giống như các hồ khác, hồ Natron cực kỳ kiềm , do một lượng lớn hóa chất natron (hỗn hợp natri cacbonat và baking soda) trong nước. Lý do là vì hồ này khá kín, nước đã đổ vào thì chỉ có thể đi ra theo cách bay hơi. Khi nước bay hơi, hầu hết các loại muối vẫn ở lại, lâu dần, tích tụ tạo nên nồng độ cực cao, cộng thêm các hóa chất đặc hữu của do dòng chảy mang đến từ các vị trí địa lý xung quanh. Độ pH của nước đã được đo cao tới 10,5, tức cao gần bằng amoniac. Một số nơi có độ pH vượt 12. Nước của hồ rất ăn da, có thể làm bỏng da và mắt của động vật không thích nghi được. Những con vật không may mắn bị rơi vào có khả năng chết đuối rất cao. Và hóa chất trong hồ rất tương đồng với chất dùng để ướp xác thời Ai Cập, giải thích lý do tại sao xác của những con vật ở đây được bảo quản khá tốt và có vẻ ngoài kỳ dị như hóa đá.
Nguồn: Bài viết được thực hiện bởi Science Realm.
Nguồn tài liệu: Wikipedia.
Để lại bình luận