Liên quan tới những vụ bắt cóc, các chuyên gia tâm lý luôn lo ngại với những trường hợp con tin được giải thoát sẽ có nguy cơ mắc các sang chấn tâm lý cao.
Đó là một dạng thức của rối loạn tâm lý, tổn thương về mặt tinh thần, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi phải đương đầu với những sự kiện gây tổn thương và tiếp tục kéo dài dù sự kiện đó đã kết thúc. Tuy nhiên, lại có một dạng sang chấn tâm lý ‘lạ’ mà con tin sau một khoảng thời gian bị giam cầm đã chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang yêu mến, đồng cảm với kẻ bắt cóc. Trạng thái đó chính là biểu hiện của hội chứng tâm lý Stockholm – ‘bài toán’ đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ để thách thức các nhà tâm lý học đưa ra được lời giải đáp hợp lý.
Khởi nguồn của hội chứng tâm lý Stockholm
Ngày 23-8-1973, tên tù vượt ngục Jan Erik Olsson đã bất ngờ cầm súng xông vào ngân hàng Kreditbanken nằm gần quảng trường Norrmalmstorg ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển). Hắn điên cuồng xả súng khủng bố và bắt giữ 4 nhân viên (bao gồm 3 nữ và 1 nam) để đòi chính quyền Thụy Điển trả 3 triệu Krona tiền chuộc và thả Clark Olofsson – bạn tù của hắn.
Sau 5 ngày, Cảnh sát Thụy Điển cuối cùng cũng khống chế được Olsson và giải cứu thành công 4 con tin.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm vấn, cả 4 con tin đều khai nhận rằng lúc đầu họ đã thực sự sợ hãi. Nhưng, Olsson đã nói hắn ta không muốn làm hại ai nên đến ngày thứ 2 họ cảm thấy người đàn ông này không hề xấu và còn đang cố gắng bảo vệ họ. Vì thế, có lúc các con tin đã che chắn để cảnh sát không thể bắn kẻ bắt cóc.
Thậm chí, Kristin Enmark – một trong 4 con tin, sau này còn trở thành bạn thân của kẻ bắt cóc.
Biểu hiện tâm lý “ngược đời” của các con tin trên sau được gọi là hội chứng tâm lý Stockholm, do Nils Bejerot (1921-1988), giáo sư y khoa đồng thời là chuyên gia tội phạm học và cố vấn về bệnh tâm thần cho Cảnh sát Thụy Điển trong cuộc giải cứu con tin ngân hàng, đặt theo tên nơi thành phố diễn ra vụ bắt cóc.
Còn theo nhà phân tâm học Anna Freud: “Hội chứng Stockholm là một dạng rối loạn tâm thần. Sự đồng cảm của nạn nhân với kẻ hành hạ là cách “đánh lừa” của bộ não để giúp nạn nhân phản ứng với nỗi đau mà họ đang phải trải qua. Bằng cách đồng hóa bản thân với kẻ hành hạ, bản ngã của nạn nhân được bảo vệ. Khi đó, nạn nhân chia sẻ chung những suy nghĩ, thái độ và giá trị với kẻ hành hạ, “tạm quên mất” rằng mình đang bị đe dọa”.
Tuy nhiên theo thống kê của FBI khi nghiên cứu trên 1200 vụ bắt cóc, chỉ có 8% số con tin mới mắc phải hội chứng trên. Nên các đồng chí nào có ý định thử làm chuyện xấu thì suy nghĩ kỹ trước khi làm nha nha.
Nguồn: Bài viết được thực hiện và tổng hợp và dịch thuật bởi Science Realm.
Nguồn tham khảo: từ trang https://baomoi.com/ và https://vi.wikipedia.org/
Để lại bình luận