Lần đầu phát hiện chớp sóng vô tuyến từ dải Ngân Hà. Tín hiệu vô tuyến mới nhất phát ra từ một ngôi sao từ ở trong dải Ngân Hà, gây bất ngờ cho giới nghiên cứu.
Các nhà thiên văn học phát hiện một tín hiệu vô tuyến đến từ nguồn ở trong dải Ngân Hà. Tín hiệu này là chớp sóng vô tuyến (FRB) chỉ kéo dài vài mili giây và dường như phát ra từ không gian sâu. Do FRB tồn tại trong thời gian cực ngắn, chúng thường chỉ được nhận dạng qua dữ liệu vệ tinh sau khi ghi nhận tín hiệu. FRB đến từ đâu và thứ gì tạo ra chúng vẫn là điều bí ẩn.
Nhà thiên văn học Paul Scholz ở Đại học Toronto, Canada, thông báo phát hiện mới nhất trên tờ The Astronomers Telegram đại diện cho dự án CHIME (Canadian Hydrogen Intensity Mapping Experiment) và FRB Collaboration. Nhóm nghiên cứu hôm 28/4 quan sát chớp sóng cực sáng đến từ sao từ đang hoạt động mang tên SGR 1935+2154. Đây là một loại sao neutron, phần lõi sụp đổ vào trong của ngôi sao khổng lồ có từ trường cực mạnh. Phát hiện mới chỉ là kết quả sơ bộ và các nhà nghiên cứu sẽ cần phân tích chớp sóng để xác nhận. Tuy nhiên, nếu đúng, đó sẽ là FRB đầu tiên đến từ chính thiên hà của chúng ta.
Jason W. T. Hessels, nhà khoa học ở Viện Thiên văn học Vô tuyến Hà Lan, đánh giá phát hiện này là một đột phá trong lĩnh vực nghiên cứu FRB. “Giờ đây chúng ta đã có bằng chứng trực tiếp cho thấy sao từ trong dải Ngân Hà tạo ra chớp sóng vô tuyến sáng không kém một số FRB đến từ ngoài thiên hà. Một câu hỏi quan trọng là liệu tất cả FRB đều đến từ sao từ hay có nhiều nguồn gốc khác nhau”, Hessels nói.
Những FRB đầu tiên được phát hiện cách đây hơn một thập kỷ. Từ sau đó, các nhà khoa học đã nỗ lực tìm hiểu thứ gì tạo ra chúng. Một số giả thuyết bao gồm sự va chạm giữa hai sao neutron hoặc hố đen sụp đổ. Nhưng giả thuyết trên không thể lý giải tại sao vài tín hiệu FRB lặp lại nhiều lần.
Để lại bình luận