Vào năm 1975, chú mèo Chester hay còn được biết đến với cái tên F.D.C. Willard trở thành đồng tác giả của một bài báo khoa học về hiệu ứng trao đổi nguyên tử của Helium-3.
Vào ngày 1 tháng 4 năm 2014, Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ đã công bố một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách: Tất cả các bài báo khoa học với tác giả là mèo sẽ được cung cấp miễn phí cho công chúng.
Thông báo là một trò đùa (đó là Ngày Cá tháng Tư), nhưng con mèo đã truyền cảm hứng cho nó thì không. Tên nó là Chester – được cộng đồng khoa học biết đến với cái tên FDC Willard, được cho là con mèo nổi tiếng thứ 2 trong ngành vật lý sau con mèo của Schrödinger .
Bài báo này có tên là “Two-, Three-, and Four-Atom Exchange Effects in bcc 3He.”. Được công bố trên tạp chí Physical Review Letters , bài viết mô tả kết quả của một thí nghiệm khám phá đồng vị helium-3 ở các nhiệt độ khác nhau.
Nghiên cứu này được tiến hành bởi Jack H. Hetherington, giáo sư vật lý tại Đại học bang Michigan, mang lại những hiểu biết quan trọng và vẫn có giá trị đến hôm nay, nhưng khi Hetherington cố gắng gửi nó để xuất bản, đã có một vấn đề.
Nghiên cứu này là của riêng ông, nhưng thay vì sử dụng ngôi “I” (Tôi), ông đã sử dụng ngôi “We” ( Chúng tôi). Đồng nghiệp đã góp ý với ông điều này và đây là một điều không chấp nhận được với các bài báo nghiên cứu, bài viết của ông sẽ bị từ chối đăng nếu không sửa lại.
Tuy nhiên, vì thời đó, để thực hiện bài viết này, ông phải đánh máy trên máy đánh chữ toàn bộ, việc sửa lại đồng nghĩa là viết lại từ đầu. Cực kỳ tốn thời gian và tốn mực. Sau một hồi suy nghĩ, thay vì làm lại hết, ông đã quyết định điền tên con mèo nhà mình vào làm đồng tác giả, đó chính là chú mèo Chester.
Và như vậy, vào ngày 24 tháng 11 năm 1975, bài báo được đồng tác giả bởi Hetherington và con mèo của ông đã được xuất bản trong số thứ 35 của Tạp chí “Physical Review Letters”.
Nguồn: Bài viết được thực hiện và tổng hợp bởi đội ngũ Science Realm.
Để lại bình luận