Theo thống kê của WHO, trên thế giới, ô nhiễm không khí khiến 7 triệu người chết mỗi năm, gấp nhiều lần tai nạn giao thông và gấp 5 lần chiến tranh và tồi tệ hơn, trẻ em khi sinh sống và lớn lên tại những khu vực có chất lượng không khí tệ hại có thể ảnh hưởng đến sự phát triển các chức năng của não bộ.
Đúng vậy, tình trạng ô nhiễm gây tử vong gấp nhiều lần so với các nguyên nhân khác như béo phì (4,0 triệu ca), rượu bia (2,3 triệu ca) và tai nạn giao thông (1,4 triệu ca) mỗi năm. Hiện trạng đáng báo động này, ngày càng tăng cao và có xu hướng gia tăng hơn nữa trong tương lai nhất là ở những quốc gia đang phát triển với những chính sách ban hành chưa thể đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân.
Một nghiên cứu mới của Trung tâm Y tế Bệnh viện trẻ em Cincinnati ở trẻ nhỏ phơi nhiễm lâu dài với không khí ô nhiễm liên quan đến khí thải công nghiệp và phương tiện giao thông giao thông có liên quan đến những thay đổi cấu trúc bộ não từ khi 12 tuổi hoặc sớm hơn. Cụ thể những ảnh hưởng xấu ở đây chính là giảm sút 3% thể tích chất xám vốn ảnh hưởng đến các vùng của não liên quan đến điều khiển, vận động cũng như nhận thức cảm giác, chẳng hạn như nhìn và nghe. Thêm nữa, độ dày vỏ não cũng bị mỏng đi 4% so với bình thường.
Mặc dù tỷ lệ tổn thất vẫn chưa quá đáng kể để gọi chúng là tình trạng thoái hóa cơ thể nhưng sự thay đổi tiêu cực này hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ.
Nhưng chưa hết, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí còn có thể lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là ở những nơi có mức độ ô nhiễm cao như ở Việt Nam ta. Trong khoảng thời gian nửa năm vừa qua chúng ta đã nghe không ít lần những khu đô thị sầm uất nhất cả nước có chất lượng không khí cực kì tồi tệ, đặc biệt là ở Hà Nội với nồng độ bụi mịn PM 2.5 và PM 10 đạt ngưỡng nguy hiểm.
Bụi PM10 tức những hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 10 µm thường đi qua các cơ quan hô hấp của bản thân sau đó sẽ tồn đọng lại bên trong phổi theo thời gian gây ra ho kéo dài và dần dần tích tụ lớn trong phổi gây nguy hiểm cho người nhiễm.
Nhưng chưa thể nào so sánh với PM2.5, những hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 µm này không chỉ dừng lại ở phổi mà chúng còn có thể luồn lách thâm nhập qua phế nang để hòa vào trong máu đi khắp lục phủ ngũ tạng của chúng ta gây ảnh hưởng toàn diện cơ thể. Những cơ quan phát ra những triệu chứng nặng nề nhất có thể kể đến như phổi, hệ miễn dịch, tim và cả não nữa. Ở não bộ, chúng bám lên các tế bào thần kinh gây hư hại chúng, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, phát triển tư duy và tiềm năng cơ thể có nghĩa rằng những thế hệ sinh sống tại môi trường này sẽ ngày càng mai một về trí tuệ. Ngoài ra những người phụ nữ có thai khi hấp thụ một số lượng bụi PM2.5 nhất định có thể sẽ khiến đứa trẻ bên trong bụng dễ dàng mắc phải các chứng bệnh như đột quỵ, viêm phổi, tim thiếu máu cục bộ, phổi tắc nghẽn mãn tính hay thậm chí là ung thư phổi. Chúng cũng là nguyên nhân gây nhiễm độc máu nhau thai, khiến thai nhi chậm phát triển. Trẻ sinh ra bị ít cân, nhiều khả năng bị suy nhược thần kinh và tự kỷ.
Ước tính có đến 4,3 triệu người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm bụi mịn PM2.5 và PM10.
Một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình hình không khí trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng hơn đó chính là những nhà máy nhiệt điện than ở các quốc gia đang phát triển và đặc biệt là ở Việt Nam. Bạn có thể nhìn thấy rõ điều này khi so sánh giữa chất lượng không khí nhiều lần ở trạng thái xấu ở các tỉnh phía Bắc (nơi tập trung nhiều nhà máy nhiệt điện than) và mức độ ô nhiễm không khí không hề tốt nhưng vẫn giữ mức độ trung bình ở các tỉnh miền Nam (vẫn chưa có quá nhiều loại hình năng lượng trên).
Đáng chú ý hơn nữa là Việt Nam đang tăng cường xây dựng và phát triển loại hình năng lượng này và cụ thể là gấp đôi hoặc thập chí gấp 3 lần số nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030 trong khi hầu hết các quốc gia trên khắp thế giới đều đang cho chúng dừng hoạt động theo thời gian.
Vậy nên hãy vì một tương lai phát triển đầy đủ và khỏe mạnh của những thế hệ con em chúng ta tiếp theo mà cố gắng tìm hiểu kĩ tình trạng ô nhiễm ở khu vực sinh sống xung quanh cũng như tìm giải pháp tối ưu nhất để phòng tránh mọi trường hợp xấu nhất có thể bạn nhé.
Nguồn: Bài viết được thực hiện bởi đội ngũ Science Realm.
Các tài liệu tham khảo thêm của bài viết: ScienceAlert và Wikipedia.
Để lại bình luận