Hiện nay, các loại tàu chiến hiện đại nằm trong biên chế của lực lượng hải quân các nước, đặc biệt là những quốc gia phát triển có ảnh hưởng quân sự lớn, thường được phân loại thành nhóm tàu chính:
1. Tàu sân bay (Aircraft Carrier) :
Tàu sân bay, hay hàng không mẫu hạm, được thiết kế để hoạt động như một căn cứ không quân trên biển. Vì vậy, các tàu sân bay cho phép lực lượng hải quân triển khai không lực ở các vị trí mà căn cứ không quân trên đất liền không với tới được. Trong lực lượng hải quân hiện đại, các tàu sân bay thường là trung tâm của cả một hạm đội, vai trò trước đó do thiết giáp hạm (Battleship) đảm nhận. Tàu sân bay có khả năng tấn công rất mạnh nhưng lại dễ bị vây hãm bởi tàu ngầm, máy bay và vũ khí đạn đạo của đối phương, do đó các tàu sân bay luôn được nhiều tàu khu trục đi theo bảo vệ. Dù vậy, thời nay, khả năng sống sót của tàu sân bay trong một cuộc chiến bị giảm mạnh do sự phát triển của các tên lửa chống hạm, thủy lôi thông minh, ngư lôi hạng nặng,…
Các tàu sân bay nổi tiếng trong lịch sử có thể kể đến USS Enterprise (USA), Akagi (Đế quốc Nhật Bản), USS Nimitz (USA),… Trong chiến tranh thế giới thứ hai, những trận hải chiến nổi tiếng có sự đóng góp của tàu sân bay có thể kể đến cuộc oanh tạc Trân Châu Cảng (7/12/1941), hay trận Midway (4-7/6/1942).
2. Thiết giáp hạm (Battleship, Dreadnought) (đã tạm ngưng sản xuất) :
Thiết giáp hạm là một loại tàu chiến lớn được bọc thép dày với dàn hỏa lực chính bao gồm pháo có cỡ nòng rất lớn (trên 300mm). Thiết giáp hạm là loại tàu to hơn, được trang bị vũ khí mạnh hơn và có vỏ giáp tốt hơn so với tàu tuần dương và tàu khu trục. Là những tàu chiến vũ trang lớn nhất của hạm đội, thiết giáp hạm thường được sử dụng để chiếm lấy quyền kiểm soát mặt biển và là đại diện cho đỉnh cao sức mạnh hải quân của một quốc gia trong giai đoạn từ thế kỷ XIX cho đến Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ không quân, ngư lôi và tên lửa định hướng, các khẩu pháo siêu lớn của thiết giáp hạm đã trở nên không cần thiết, thiết giáp hạm ngày càng mất đi vai trò cần thiết trong tác chiến hải quân và dần bị loại bỏ. Kết quả là cho đến cuối thế kỷ 20, không còn chiếc thiết giáp hạm nào được sử dụng trong quân đội thường trực.
Nổi tiếng nhất trong lớp tàu chiến này có thể kể đến thiết giáp hạm huyền thoại Yamato của hải quân Đế quốc Nhật Bản, phục vụ xuyên suốt thế chiến thứ hai cho đến khi bị đánh chìm trong trận hải chiến tử thủ Okinawa năm 1945.
3. Tàu tuần dương (Cruiser) :
Tàu tuần dương, còn được gọi là tuần dương hạm, là một loại tàu chiến lớn, rất linh hoạt, được sử dụng để bảo vệ hạm đội chủ lực (tàu sân bay, thiết giáp hạm) khỏi tàu ngầm, máy bay hay tàu nhỏ khác của đối phương. rất linh hoạt, chúng có thể bảo vệ chống lại tàu ngầm, máy bay hay tàu nổi đối phương. Các vai trò khác của tàu tuần dương bao gồm trinh sát và hộ tống các tàu sân bay hay các đoàn tàu vận tải. Tàu tuần dương thường được cho tháp tùng hạm đội thiết giáp hạm, và là lực lượng mũi nhọn trong các cuộc đối đầu trên mặt biển khi không có thiết giáp hạm. Hiện nay, vai trò của tàu tuần dương chủ yếu là hỗ trợ phòng không cho hạm đội.
Một số tàu khu trục lớn hiện nay có trang bị các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis có thể kể đến lớp Arleigh Burke (USA) hay lớp Kongō của lực lượng tự vệ Nhật Bản.
4. Tàu khu trục (Destroyer) :
Tàu khu trục, hay còn gọi là khu trục hạm, là một tàu chiến chạy nhanh và cơ động, có khả năng hoạt động lâu dài bền bỉ dùng cho mục đích hộ tống các tàu chiến lớn hơn trong một hạm đội hoặc đoàn tàu vận tải, bảo vệ chúng chống lại những đối thủ nhỏ tầm gần nhưng mạnh mẽ, ban đầu là những tàu phóng lôi, sau này là tàu ngầm và máy bay. Khu (驅) và trục (逐) là các chữ Hán-Việt đều có nghĩa là “đuổi đi”. Ban đầu ở thế chiến thứ hai, các tàu tuần dương được trang bị hệ thống phóng ngư lôi nhằm mục đích đột kích và triệt hạ các tàu lớn hơn. Sang thế kỉ 21, với sự suy thoái của thiết giáp hạm, các tàu khu trục trở thành lực lượng tiến công mạnh mẽ, hoạt động như các tàu tuần dương (Cruiser), linh hoạt đảm nhiệm nhiều vai trò tấn công – phòng thủ trong một hạm đội.
5. Tàu khu trục nhỏ (Frigate) :
Tàu khu trục nhỏ, hay tàu hộ tống tùy theo mục đích sử dụng, là một loại tàu chiến có khả năng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cỡ nhỏ. Trong hải quân hiện đại, tàu frigate được sử dụng để bảo vệ các tàu chiến khác và các tàu buôn, đặc biệt là như những tàu chống tàu ngầm cho những lực lượng đổ bộ viễn chinh, các đội tiếp liệu dọc đường, và các đoàn tàu vận tải (vì vậy tiếng Việt dịch tàu frigate là tàu hộ tống). Nhưng những lớp tàu được gọi tên là “frigate” đồng thời cũng tương tự như tàu corvette (tàu hộ tống nhỏ), tàu khu trục, tàu tuần dương, và thậm chí là với cả thiết giáp hạm.
Tàu chiến Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng là một tàu frigate, thuộc lớp Gepard-3.9.
6. Tào hộ vệ (Corvette) :
Corvette (nguồn gốc từ tiếng Pháp: corvair; tiếng Việt còn có thể dịch là tàu hộ tống nhỏ, tàu hộ vệ hay hộ vệ hạm là một kiểu tàu chiến nhỏ, cơ động, trang bị vũ khí nhẹ, thường nhỏ hơn một chiếc tàu frigate (khoảng trên 2.000 tấn) và lớn hơn một tàu tuần duyên. Tàu corvette trong biên chế hải quân hiện đại có trọng lượng rẽ nước từ 550 đến 2.800 tấn và dài 55–100 m (180–330 ft). Chúng thường được trang bị pháo cỡ trung và cỡ nhỏ, tên lửa đất-đối-đất và đất-đối-không cùng vũ khí chống tàu ngầm dưới mặt nước. Nhiều chiếc có khả năng mang theo một máy bay trực thăng chống tàu ngầm cỡ trung và cỡ nhỏ.
7. Tàu tuần tra (Patrol Vessel) :
Tàu tuần tra hay tàu tuần tiễu là một loại tàu quân sự nhỏ thường dùng trong các nhiệm vụ bảo vệ bờ biển. Có rất nhiều thiết kế cho loại tàu này. Chúng có thể được sử dụng trong các lực lượng hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển hay lực lượng cảnh sát. Nó có thể hoạt động trên môi trường biển hay trên các con sông. Loại tàu này thường được thấy tham gia vào các nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải và biên giới, chống xâm phạm chủ quyền,chống buôn lậu, chống đánh bắt hải sản trái phép và tham gia vào các hoạt động cứu hộ. Chúng còn được gọi tham gia vào các nhiệm vụ giải cứu và chống cướp biển.
Nếu các bạn ở Huế, thỉnh thoảng các bạn sẽ thấy một chiếc đậu trên sông gần đầu cầu Dã Viên phía bờ Nam.
8. Các lớp tàu đa dụng khác:
Có rất nhiều lớp tàu trong nhóm này, mỗi lớp thực hiện một nhiệm vụ riêng biệt như: phóng tên lửa, phóng ngư lôi, dò phá mìn, vận chuyển bộ binh, vận chuyển trực thẳng và thiết bị cơ giới,…
Bài viết được thực hiện bởi đội ngũ Science Realm.
Nguồn: tổng hợp từ Wikipedia.
Để lại bình luận