Trong Thế chiến I, quân đội Đức muốn công phá thủ đô Paris của Pháp nhưng không thể xuyên thủng tuyến phòng ngự đối phương để đưa các loại pháo có sẵn trong biên chế vào tầm bắn hiệu quả.
Do đó, họ đã phát triển một trong những khẩu pháo có tầm bắn xa nhất lịch sử thế giới, đặt tên nó là “pháo Paris” (tiếng Đức: Pariser Kanone) để phục vụ mục đích trên.
Pháo Paris nặng 256 tấn, dài 34 m, đạt tầm bắn hiệu quả tới 130 km, được đánh giá là khẩu pháo bắn xa nhất lịch sử. Để so sánh, pháo M777A2 cỡ nòng 155 mm hiện nay của lục quân Mỹ có tầm bắn tối đa khoảng 30 km. Phiên bản tăng tầm ERCA đang được phát triển có tầm bắn hơn 70 km. Toàn bộ cụm nòng pháo được gia cố để ngăn nó chúi xuống do quá dài và nặng, cũng như chống giật khi bắn.
Khối lượng lớn của pháo Paris buộc quân đội Đức lắp nó trên một phương tiện vận chuyển đặc biệt bằng đường sắt, trước khi gắn vào một ụ pháo cố định để khai hỏa. Theo nhà sử học Adam Hochschild, mỗi phát bắn mất tới ba phút để tới mục tiêu, và quả đạn có thể đạt độ cao tối đa trên 40 km vượt đến tầng bình lưu, nơi khí quyển loãng hơn nhiều so với tầng đối lưu – phạm vi hoạt động của pháo binh thông thường bấy giờ. Đặc điểm này giúp pháo Paris có tầm bắn vượt trội, và xạ thủ khi bắn phải tính đến chuyển động xoay, lực Coriolis của Trái Đất nếu muốn bắn trúng mục tiêu, điều mà pháo binh thông thường không cần tính đến.
Ngày 21/3/1918, Đức bắt đầu bắn phá Paris bằng 21 quả đạn trong vòng 15 phút từ rừng Coucy. Cuộc tập kích bất ngờ này khiến Pháp nghĩ rằng họ bị ném bom bởi khinh khí cầu Zeppelin, bởi khi đó không hề có tiếng động cơ máy bay, ngoại trừ tiếng rít xé gió của những khối kim loại rơi xuống từ bầu trời. Những ngày sau đó, khẩu pháo này đã “rót” vào Paris hơn 300 phát đạn, khiến 250 người thiệt mạng và 620 người bị thương, đa số là dân thường.
Tuy nhiên, pháo Paris thực sự không hiệu quả, nếu không muốn nói là một thất bại về mặt quân sự của Đức khi mỗi quả đạn chỉ chứa 7 kg thuốc nổ, không đủ gây ra thiệt hại lớn. Vỏ đạn được thiết kế rất dày để chống chịu lực bắn rất mạnh khi khai hỏa, nhưng lại khiến nó chỉ tạo thành những mảnh văng lớn khi phát nổ, hạn chế đáng kể sức sát thương. Ngoài ra, sơ tốc đạn lớn khiến nòng pháo bị bào mòn rất nhanh.
Với kĩ thuật hạn chế thời đó, từng đợt phóng phải được tính toán cẩn thận vì chỉ một sai lệch nhỏ cũng gây ảnh hưởng lớn tới tầm bắn. Nòng pháo được thay sau khoảng 65 phát bắn, sau đó chuyển về Đức để gia công và đưa trở lại chiến trường với lô đạn mới. Với hiệu quả quân sự thấp như thế, có nhiều tranh cãi giữa các nhà sử học về mục đích quân Đức chế tạo vũ khí này. Một số ý kiến cho rằng Đức muốn khủng bố tinh thần người dân Paris hơn là phá hủy cả thành phố, một số khác tin rằng pháo Paris không gì khác ngoài món quà để giới kĩ sư thời đó làm hài lòng quốc trưởng.
Quân đội Đức rút siêu pháo Paris về nước tháng 8/1918, khi phe Hiệp ước áp sát vị trí của quân Đức. Siêu pháo bị Đức phá hủy ở cuối cuộc chiến để không bị rơi vào tay đối phương.
Nguồn: Bài viết được tổng hợp bởi đội ngũ Science Realm.
Các tài liệu tham khảo thêm của bài viết: Wikipedia
Để lại bình luận