Trong tiếng Anh, có một thành ngữ thông dụng: “(be) saved by the bell”
Nó mang ý nghĩa “được cứu bởi ai đó, hoặc thứ gì đó, vào những giờ phút cuối cùng”. Điều này tương tự như cụm từ “thoát chết trong gang tấc” ở Việt Nam vậy. Thành ngữ này còn được sử dụng phổ biến như một từ lóng trong môn boxing (quyền anh), khi một ai đó bị hành đến gần thua, và tiếng chuông kết thúc hiệp đấu vang lên, cứu anh ta khỏi một bàn thua trông thấy.
Nguồn gốc của thành ngữ này, và lý do nó mang ý nghĩa dường như không liên quan mấy tới nội dung như thế, bắt nguồn từ thế kỷ 18-19.
Thời bấy giờ, con người, với nền y học chưa phát triển, thường hay mắc sai lầm trong việc xác định một ai đó đã chết hay chưa. Với một người, vì một lý do nào đó, rơi vào hôn mê sâu, người đó thường sẽ được phán xét là đã chết, và được chôn cất, mai táng như một người chết thực thụ. Để rồi sau đó, họ tỉnh dậy trong một khối hộp bằng gỗ dưới 3 tấc đất, tuyệt vọng gào thét, cào cấu vào nắp quan tài cho đến khi ngộp thở và chết thật!
Dù không ai biết, hay thống kê được có bao nhiêu trường hợp như thế này, nỗi sợ bị chôn sống vẫn len lỏi trong xã hội thời đó. Ý tưởng này phổ biến đến mức, một số người nổi tiếng thời đó đã thốt lên:
– “All I desire for my own burial is not to be buried alive.” (“Chôn tao thế nào cũng được, nhưng đừng chôn sống.”) – Lord Chesterfield, 1769
– “Have me decently buried, but do not let my body be put into a vault in less than two days after I am dead.” (“Chôn cất tao tử tế vào, nhưng đừng đặt tao vào quan tài sau ít nhất 2 ngày từ lúc tao chết.”) – George Washington, trên giường bệnh những lúc cuối đời.
– “Swear to make them cut me open, so that I won’t be buried alive.” (“Thề đi, phanh thây tao ra để chắc chắn tao không bị chôn sống.”) – lời trăn trối của Frederic Chopin.
Thế là vào thế kỷ 19, người ta quyết định cho ra đời một loại quan tài với hệ thống chuông đi kèm. Chuông được thiết kế sao cho người nằm trong quan tài, nếu còn sống, sẽ có thể rung được chuông, báo động những người ở gần đó rằng “tui còn sống nè trời ơi cíuuuu”. Những chiếc quan tài này đã từng được sử dụng khá rộng rãi từ thế kỉ 19 đến tận thập niên 50 của thế kỉ 20, bởi những người sợ bị chôn sống và có niềm tin vào việc buy back…à không, ý mình là được cứu. Từ đó, khái niệm “saved by the bell”, hay “được cứu bởi những chiếc chuông”, ra đời.
Vậy nên, nếu một đêm đẹp trời bạn phải đi ngang nghĩa trang, và chợt nghe đâu đó tiếng leng keng quen thuộc của mấy bác bán kem ngày xưa,
…
…
…
RUN!
Bài viết được thực hiện bởi đội ngũ Science Realm.
Nguồn tham khảo: dictionary.cambridge.org
Để lại bình luận