Có lẽ nào Trái Đất của chúng ta đang ngày một mất đi màu xanh vốn có của nó khi mà mỗi ngày trôi qua tình trạng ô nhiễm ở nhiều nơi trên thế giới ngày càng nhân rộng? Và liệu rằng chúng ta có đang tự đặt ra nghi vấn về tương lai của các loài sinh vật sống trên Trái Đất một cách cực kì nghiêm túc không?
Nếu bạn thực sự là một người xem trọng vấn đề môi trường hiện nay thì mình mong bài viết này sẽ góp phần củng cố quan điểm đó, còn nếu bạn vẫn chưa thấy được mức độ nghiêm trọng của vấn đề này thì mình hy vọng rằng những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn phần nào hình dung được thực trạng đáng lo ngại nhất của mọi loài sinh vật tồn tại trên hành tinh này.
1. Môi trường
Về cơ bản, môi trường chính là mọi thứ xung quanh chúng ta như cây, đất, nước, gió…. Tất cả mọi thứ trong thiên nhiên đều góp phần tạo thành môi trường mà ta đang sinh sống trong đó. Liệu bạn có thể hình dung được một cuộc sống thiếu những yếu tố trên không? Chính mặt đất vững vàng cho ta cơ hội xây những mái ấm, chính sự phì nhiêu của đất giúp cây cối phát triển để cung cấp nguồn oxy vô hạn giup ta có thể thực hiện được các hoạt động sống, và nếu không có nước, con người chúng ta sẽ không thể nào sống nổi qua 2 tuần. Và vô vàn những thứ mà thiên nhiên luôn có sẵn ở đó để giúp ta có khả năng thực hiện được, nên nếu mọi người đều biết ơn vì mình được sống thì sự biết ơn đó chắc chắn phải dành cho thiên nhiên và môi trường.
Bởi vì chúng ta và mọi loài sinh vật sống khác đều được bao bọc và sống trong “môi trường” như vậy nên nếu cái môi trường đó bị ảnh hưởng xấu thì chính chúng ta cũng sẽ phải hứng chịu mọi hậu quả đó gây nên. Thiên nhiên luôn tự cân bằng chính bản thân nó, mọi thứ nếu đều hoàn toàn hoạt động theo tự nhiên thì nó vẫn hoàn toàn tự sắp xếp được yên ổn, chỉ riêng những hoạt động của con người có thể tác động xấu mạnh mẽ đến thiên nhiên dẫn đến môi trường sống của nhiều loài sinh vật bao gồm cả con người đang dần đi xuống trầm trọng.
2. Con người và hệ quả
Là một giống loài sinh sống trên Trái Đất, con người chúng ta có được sự bao bọc của thiên nhiên và môi trường để phát triển một cách thần kỳ. Nếu mình có thể du hành thời gian chỉ 200 năm nhỏ nhoi so với lịch sử phát triển văn minh của loài người về quá khứ, mọi thứ mình kể về đồ dùng sinh hoạt hay máy tính, điện thoại,… tất cả cũng sẽ chỉ là những thứ đồ thần kì mà hầu hết mọi người sẽ không tin vào.
Và chắc chắn ở thời điểm hiện tại, sau 100 năm nữa thì ta cũng sẽ không thể nào mường tượng được nền văn minh nhân loại này sẽ tiến xa đến đâu nữa và tin mình đi, những thứ các bạn nghĩ là viễn vông hay không thể thì mai này có thể lại là một thứ quá đỗi bình thường với chút chít chúng ta trong tương lai. Trừ khi con người tự đặt dấu chấm hết cho chính bản thân bằng việc hủy hoại đi môi trường sống của chính bản thân mình.
Bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra ở Anh vào cuối thế kỷ XVIII, con người bắt đầu chế tạo và sử dụng các loại máy móc và động cơ đốt để phục vụ cho mục đích sống và vẫn tiếp tục cho đến hiện tại. Sản phẩm của quá trình đốt cháy đó chính là các loại khí độc hại gây tác hại xấu đến môi trường và con người mà tiêu biểu ở đây mình xin đề cập đến là hai loại khí sau:
• Cacbon Dioxite (CO2), là khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu và được mệnh danh là như là chất ô nhiễm khí hậu tồi tệ nhất. CO2 hiện chiếm khoảng khoảng 405 phần triệu (ppm) khí quyển, so với khoảng 280 ppm trong thời kỳ tiền công nghiệp tạo thành một mái vòm ngăn nhiệt lượng của mặt trời thoát khỏi Trái Đất gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mỗi năm có hàng tỷ tấn CO2 được thải ra môi trường bằng việc đốt các nhiên liệu hóa thạch đi kèm với đó là nhiệt độ trung bình của Trái Đất đang tăng rõ rệt qua từng năm. Gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sống của các loài vật sống ở hai cực khi băng bắt đầu tan dần và chúng không còn nơi để sinh sống, và với lượng thể tích nước khi băng hai cực tan ra làm cho mực nước biển đang dâng lên 1,8 mm mỗi năm và đó cũng chính là thứ con người chúng ta nên lo lắng.
• Các Sunfua oxit (SOx) và đặc biệt là Sunfua dioxite (SO2). Than và dầu mỏ thường có chứa các hợp chất lưu huỳnh và sự cháy sẽ cho ra sản phẩm SO2. Quá trình oxy hóa SO2, thường ở sự hiện diện của một chất xúc tác như NO2, hình thành H2SO4 và hòa quyện với mây chúng sẽ gây nên các trận mưa acid ăn mòn đi các công trình, phá hủy cây cối và biến các vùng đất đai màu mỡ trở thành hoang mạc. Con người chúng ta khi tiếp xúc với SO2 cũng sẽ có thể bị mắc các bệnh như viêm phổi, viêm mắt và các bệnh về hô hấp.
Vấn đề nhức nhói mà con người luôn trăn trở đó chính là rác thải, mỗi ngày, cả thế giới thải ra ngoài môi trường hơn 3,5 triệu tấn rác bao gồm các loại rác thải nhựa, nhôm, thủy tinh và vô số các loại rác khác mà phải mất đến vài chục, vài trăm hay thậm chí là vài ngàn năm để chúng có thể phân hủy ngoài môi trường. Và theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, 90,5% nhựa trên toàn cầu sẽ không bao giờ được tái chế. Như vậy, ít nhất cũng phải hơn hàng trăm triệu tấn nhựa sẽ sống trọn đời với cháu chắt chút chít của chúng ta.
Một số con số biết nói được mình tổng hợp sau đây có thể sẽ khiến bạn không khỏi rùng mình về hiện thực đau lòng xảy ra xung quanh ta:
• Số người chết vì ô nhiễm nhiều gấp 3 lần do AIDS, lao và sốt rét cộng lại, mỗi năm có khoảng 12,6 triệu người chết vì ô nhiễm môi trường và chính ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây nên ung thư phổi.
• 100.000 thú biển và rựa biển, 1.000.000 chim biển do bị vướng hay bị nghẹt thở bởi các loại rác plastic
• Chiếm đến 30 – 50% lượng CO2 thải ra từ quá trình đốt nguyên liệu hóa thạch bị đại dương hấp thụ. Việc thay đổi nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu CO2 của các phiêu sinh thực vật và nó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.
• Hơn 60% rạn san hô đang bị đe dọa bởi quá trình ô nhiễm nặng nề
• 60% bờ biển Thái Bình Dương và 35% bờ biển Đại Tây Dương đang bị xói mòn với tốc độ chóng mặt 1m/năm
• Mỗi năm, sa mạc Sahara đang tiến dần về phía Nam với tốc độ 45km/năm. Cao nguyên Madagasca cũng đang bị thoái hóa khi 7% đất đai bị hoang mạc hóa trở thành đất cằn đồi trọc. Một nơi đã từng được xem là kho báu về sự đa dạng sinh học giờ đây chỉ còn là bãi đất trống.
• Do đó khi đa dạng sinh thái bị suy giảm, đất đai dần trở nên bạc màu. Đây chính là 2 nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng hoang mạc hóa toàn cầu.
Như vậy, liệu chúng ta có còn quá thờ ơ đến chính tương lai của không chỉ của nhân loại mà còn của toàn bộ sinh vật trên Trái Đất? Liệu rằng chính bàn tay của nhân loại sẽ kết thúc sự sống trên hành tinh xanh? Câu trả lời chỉ có thể đến từ chính mỗi người chúng ta. Tái chế rác hay không, sử dụng nguồn năng lượng sạch hay không, đòi công bằng cho thiên nhiên hay không và tạo nên một môi trường sống sạch sẽ và tốt đẹp cho con cháu chúng ta hay không tất cả đều do bản thân ta quyết định.
Nguồn thông tin được tổng hợp bởi Realm Science từ các trang Wikipedia, ourworldindata.
Để lại bình luận