“Mặt Trời màu vàng.
Sự thật là ánh sáng của Mặt Trời có màu trắng chứ không phải màu vàng. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này là do bầu khí quyển của Trái Đất. Khi ánh sáng đi qua khí quyển, những tia sáng có bước sóng ngắn sẽ bị làm cho lệch hướng và tạo ra hiện tượng tán xạ Rayleigh. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho chúng ta nhìn thấy bầu trời có màu xanh và hoàng hôn có màu đỏ.”
Sau đây là phần làm rõ của Science Realm gửi đến các bạn:
Các bạn có thể không ngạc nhiên khi biết rằng Mặt Trời thật chất không hề có màu cam, vàng hay đỏ. Trên thực tế, màu của Mặt trời là TRẮNG! Điều này có thể dễ dàng nhận thấy đối với các bức ảnh chụp Mặt Trời từ trong không gian.
Vậy thì vì sao chúng ta lại thấy Mặt Trời có màu vàng, đỏ hay cam? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu:
1. Mặt trời lên màu như thế nào?
Ánh sáng phát ra từ Mặt trời thực sự là màu trắng, là tổng hợp tất cả các tần số của vùng ánh sáng khả kiến. Trong thực tế, bằng cách sử dụng lăng kính, bạn có thể phân tích ánh sáng trắng của Mặt Trời thành phổ đầy đủ các màu của nó: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm và tím; tất cả tạo thành màu sắc của cầu vồng mà ta thường thấy. Ánh sáng đỏ có bước sóng dài nhất và ánh sáng tím có bước sóng ngắn nhất.
2. Khí quyển của Trái Đất:
Lý do khiến Mặt Trời có màu vàng đối với chúng ta là do bầu khí quyển của Trái Đất . Bầu khí quyển của Trái Đất tán xạ ánh sáng Mặt Trời trong vùng bước sóng ngắn thuộc màu lục, lam, chàm và tím ra xung quanh bầu khí quyển, chính vì vậy bầu trời có màu xanh vào ban ngày thay và màu đen giống ban đêm. Trong khi các màu có bước sóng dài hơn như đỏ, cam và vàng ít bị tán xạ hơn, đó là lí do vì sao Mặt Trời lại có màu vàng.
Và khi Mặt Trời ở gần đường chân trời của Trái Đất (vào lúc bình minh và hoàng hôn), nhiều ánh sáng xanh bị tán xạ hơn bởi bầu khí quyển, khiến Mặt Trời trông đỏ hơn vào lúc này, tạo ra một cảnh tượng thiên nhiên tuyệt đẹp đã đi vào huyền thoại.
3. Màu của Mặt Trời trong không gian:
Khi Mặt Trời được quan sát từ không gian, nó sẽ xuất hiện một màu trắng hoàn hảo, vì ánh sáng phát ra từ Mặt Trời không bị tán xạ bởi bầu khí quyển của Trái Đất, các phi hành gia có thể nhìn thấy màu sắc thực sự của Mặt Trời.
P/s: Trong một số nền văn hóa khác nhau, màu của Mặt Trời sẽ khác nhau. Chẳng hạn, nếu một trường mẫu giáo ở Hoa Kỳ tô màu cho bức tranh Mặt Trời, họ thường sẽ sử dụng màu vàng. Tuy nhiên, một trường mẫu giáo ở Nhật Bản thì thường sẽ tô màu đỏ. Nhưng DÙ SAO MẶT TRỜI VẪN LÀ MÀU TRẮNG!
Nguồn: Tổng hợp, dịch thuật, xử lý và phân tích bởi Science Realm từ Scienceabc và Standford Solar Center.
Để lại bình luận