Trước khi loài người xuất hiện, môi trường trên Trái Đất hoàn toàn là môi trường nguyên thủy, không có thôn ấp, thành phố, không có nhà máy, hầm mỏ, tàu hỏa, ô tô, chỉ có biển màu xanh, nước sông hồ tinh khiết, tuyết trắng, rừng nguyên thủy xanh tươi. Cả Trái Đất đầy tiếng chim ca, hoa thơm, sức sống sinh sôi nảy nở, là một môi trường sinh tồn tự nhiên không hề có dấu ấn của con người.
Cách đây 2 – 3 vạn năm về trước, tổ tiên của con người là loài vượn cổ bắt đầu từ rừng nguyên thủy bước ra đồng bằng. Để sinh sống trong môi trường mới, người vượn cổ đã học biết sử dụng các công cụ tự nhiên như công cụ đồ đá để tìm kiếm thức ăn, đề phòng kẻ địch. Họ còn biết dùng lửa nên sản sinh ra nền nông nghiệp và chăn nuôi nguyên thủy.
Tổ tiên loài người từ nền nông nghiệp nguyên thủy đã thu được các loại sản phẩm nông nghiệp khá phong phú, nhưng đồng thời cũng bắt đầu phá hoại môi trường. T ừng mảng lớn đồng cỏ và rừng già bị phá đi, bề mặt Trái Đất mất dần sự bảo vệ nhờ thực vật che phủ, khiến nước xói mòn đất tăng lên, nạn đốt rừng, hun đốt thịt cầm thú sản sinh ra những đám khói gây ô nhiễm không khí. Như vậy tổ tiên loài người trong quá trình sản xuất và sinh sống đã bắt đầu gây nên ô nhiễm môi trường.
Đương nhiên sức sản xuất của người cổ đại so với lực lượng tự nhiên còn rất bé, cho nên sự phá hoại môi trường chỉ mang tính cục bộ. Ngày nay loài người đã biết lợi dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến để hoạt động sản xuất, nên sự ô nhiễm môi trường sinh thái vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy sự ô nhiễm môi trường từ ngàn xưa đã có, nhưng sự ô nhiễm đó trở thành nguy cơ nghiêm trọng thì chỉ mới xảy ra trong mấy trăm năm gần đây.