Nếu như phải miêu tả về đặc trưng của loài cá, rất nhiều người sẽ không hề do dự rằng, cá sống ở trong nước, có sở trường bơi, trên thân có vảy, vây lưng, vây bụng…
Nhưng loài cá còn có một đặc trưng quan trọng thường bị mọi người không chú ý tới, đó chính là màu sắc bên ngoài cơ thể chúng.
Chỉ cần bạn chú ý quan sát thì sẽ phát hiện thấy, ngoài một số loài cá nhiệt đới rất đẹp ra, đại đa số màu sắc ở phần lưng cá phải thẫm hơn rất nhiều so với phần bụng. Các loài cá nước ngọt sống ở trong ao hồ, như cá mè, cá chép, cá trắm đen…, phần lưng đều có màu xám đen; các loài cá sống ở biển, như cá mập, cá thoi… đều có phần lưng màu đen. Ngoài ra, bất kể là cá nước ngọt hay là cá nước mặn, phần bụng hầu như đều là màu trắng hoặc màu rất nhạt.
Tại sao màu sắc ở phần lưng và phần bụng của loài cá lại có sự khác biệt lớn như vậy?
Sự khác biệt này có ý nghĩa gì đối với sự sinh tồn của loài cá?
Nguyên nhân là do loài cá sống ở trong nước, khi bơi thường là lưng hướng lên trên, bụng úp xuống dưới. Do ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống, từ dưới nước nhìn lên thì mặt nước là một mảng sáng loáng, chính vì như vậy, màu trắng của bụng cá tương tự như ánh sáng của bầu trời trên mặt nước nên rất khó bị những con cá lớn ở dưới nước sâu phát hiện ra. Với quy luật như vậy, từ trên nhìn xuống, màu sắc của nước rất thẫm, gần giống như màu sắc của lưng cá, như vậy, các loài chim bắt cá ở trên bầu trời khó có thể nhìn thấy cá bơi trên mặt nước.
Tóm lại, sự thay đổi màu sắc phần lưng thẫm, phần bụng nhạt của đại đa số loài cá là kết quả để thích ứng với cuộc sống trong nước, có lợi cho việc bảo vệ bản thân không bị kẻ địch phát hiện.