“Nước sông mùa xuân ấm, vịt biết trước tất cả”, ở vùng Giang Nam – Trung Quốc, mỗi khi khí hậu dần dần ấm lên, ở trong ao, sông, lạch nhỏ, đàn vịt con vui vẻ thi nhau bơi trên mặt nước, sớm mang đến tin vui của mùa xuân. Điều người ta cảm thấy kì lạ là những chú vịt con này không phải do mẹ đẻ chúng ấp ra, mà là do gà mái ấp hộ hoặc do ấp nở nhân tạo. Tại sao vịt cái lại không ấp trứng được nhỉ?
Việc sinh sản của loài chim nói chung có tính theo mùa. Khi điều kiện môi trường tự nhiên như ánh sáng, nhiệt độ, dinh dưỡng thay đổi thích hợp với sự sinh sản của loài chim, thì loài chim bắt đầu chuẩn bị cho việc sinh nở. Có loài tụ tập thành đàn bay đến một địa điểm nhất định, có loài bắt đầu hót véo von, có loài bận bịu tha cỏ về làm tổ… Cuối cùng, con cái và con đực giao phối, ở trong tổ đẻ trứng, lại do chim bố (hoặc chim mẹ) ấp trứng.
Cụ tổ xa của vịt nhà là vịt đầu xanh, chúng ta thường gọi là vịt trời. Vịt đầu xanh tuy được phân bố rất rộng ở Trung Quốc, nhưng đến đầu xuân là mùa sinh sản thì chúng kết đàn bay về vùng phương Bắc, làm tổ đẻ trứng trong các bụi cỏ gần nước, các hang đất hoặc trong các hốc cây khô ở đó.
Sau mỗi lần đẻ được 4 ~ 12 quả trứng, vịt bắt đầu ấp trứng. Nếu tổ hoặc trứng bị phá hỏng, chúng có thể làm lại tổ khác. ở miền Bắc, do thời gian chiếu sáng dài, vịt con có thể kiếm được nhiều thức ăn, nên lớn rất nhanh. Đến mùa thu liền kết thành đàn bay về miền Nam để trú đông, đến đầu xuân năm sau lại bay về phương Bắc để sinh sản.
Thịt của vịt đầu xanh rất ngon, thời kì đẻ trứng dài, sau khi được con người thuần dưỡng, chúng đã mất đi thói quen di cư. Để thu được nhiều trứng, người ta không để cho chúng ngừng đẻ để ấp trứng, mà tăng giờ chiếu sáng và thức ăn đầy đủ để thúc đẩy chúng đẻ nhiều trứng hơn. Mặt khác, người nuôi vịt còn có thể lựa chọn giống vịt đẻ được nhiều trứng nhất để làm vịt giống. Như vậy, qua chọn lọc nhân tạo và gây giống vịt đẻ, sản lượng trứng mỗi năm có thể đạt được 200 ~ 300 quả, nhiều gấp nhiều lần so với vịt đầu xanh hoang dã, nhưng vịt lại mất đi bản năng ấp trứng.