Trong những thập kỉ 50 – 60 của thế kỉ XX, ở phương Tây một số nước công nghiệp phát triển đã liên tiếp xảy ra nhiều sự kiện gây tổn hại chung, chấn động toàn thế giới. Ngày càng có nhiều người cảm thấy chúng ta đang sống trong một môi trường thiếu an toàn.
Năm 1962, nhà nữ sinh vật học Mỹ Rachel Carson đã xuất bản cuốn sách nhan đề: “Mùa xuân lặng lẽ”. Trong sách bà miêu tả tỉ mỉ các loại thuốc bảo vệ thực vật đã đem lại những nguy cơ nghiêm trọng cho môi trường và chỉ rõ không những nó gây hại cho môi trường sinh sống của các loài sinh vật mà còn nguy hại cho cả con người. Cuốn sách đó rất nhanh được dịch và xuất bản thành nhiều thứ tiếng, gây nên ảnh hưởng to lớn trên toàn thế giới. Nó khiến cho người ta thức tỉnh, dấy lên một phong trào bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm, chống gây tổn hại chung.
Ngày 22/4/1970, dưới sự lãnh đạo của một số nghị viên quốc hội ở một số nước, những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng và những người bảo vệ môi trường, một vạn trường trung và tiểu học, 2.000 trường đại học ở Mỹ và hơn 2 triệu người thuộc các đoàn thể ở nhiều nước khác nhau đã tiến hành một cuộc mít tinh và diễu hành rầm rộ để tuyên truyền, yêu cầu các chính phủ phải có biện pháp bảo vệ môi trường. Ảnh hưởng của phong trào này rất nhanh lan rộng ra toàn cầu, do đó ngày 22/4 trở thành một ngày quan trọng trong lịch sử bảo vệ môi trường – “Ngày Trái Đất”.
Người mở đầu cho hoạt động “Ngày Trái Đất” là nghị viên Nelson – đảng viên đảng Dân chủ Mỹ. Những năm đầu thập kỉ 60, ông là một người chưa có địa vị chính trị đáng kể gì ở Mỹ, nhưng vì vấn đề môi trường mà ông cảm thấy bất an. Hồi đó T ổng thống, Quốc hội, các xí nghiệp Mỹ đều không hề quan tâm đến vấn đề môi trường. Vậy làm thế nào? Năm 1963, ông đã thuyết phục T ổng thống Kennơđi diễn thuyết một vòng quanh nước Mỹ, chỉ rõ mức độ môi trường đang bị xấu đi cho công chúng biết, nhằm gây nên sự quan tâm và theo dõi của công chúng Mỹ đối với môi trường. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nên những hoạt động này chưa thu được kết quả là bao.
Mùa hè 1969, ông Nelson một lần nữa lại đề nghị các trường đại học Mỹ tiến hành các buổi diễn thuyết về vấn đề môi trường ngay tại các trường và thành lập ngay các tổ chức nghiên cứu, vạch kế hoạch hành động. Haixơ sinh viên của Viện pháp học Đại học Havard đang ở độ tuổi 25, lập tức hưởng ứng nhiệt liệt. Anh ta đã gặp ông Nelson và quyết định tạm thời nghỉ học, toàn tâm toàn ý đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường.
Không lâu sau, Haixơ lại mở rộng ý tưởng của ông Nelson, trù bị tiến hành một loạt hoạt động mang tính xã hội triển khai khắp nước Mỹ. Nelson đã tiếp thu kiến nghị của Haixơ. Nhưng để tránh kì thi cuối học kì, Haixơ đề nghị lấy ngày 22/4 năm sau làm “Ngày Trái Đất”. Vào ngày đó sẽ triển khai những hoạt động bảo vệ môi trường với quy mô lớn trên khắp nước Mỹ. Tháng 9/1969, trong một lần diễn thuyết ở Xêatô, ông đã công bố kế hoạch này. Mặc dù đã cảm nhận được trước, nhưng không ngờ công chúng Mỹ hưởng ứng nhiệt tình và mạnh mẽ đến thế, khiến cho họ cảm thấy kinh ngạc và được cổ vũ rất nhiều.
Hoạt động “Ngày Trái Đất” lần thứ nhất đã thành công rực rỡ. Nó thúc đẩy cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường ở nước Mỹ phát triển mạnh mẽ. Chỉ mấy năm sau, Quốc hội Mỹ đã lần lượt thông qua một Luật bảo vệ môi trường quan trọng gồm 28 điều và năm sau đã thành lập Cục Bảo vệ Môi trường Quốc gia. Trên thế giới, hoạt động “Ngày Trái Đất” cũng đã thúc đẩy Liên hợp quốc triệu tập Hội nghị Môi trường nhân loại lần thứ nhất vào năm 1972 và đã thành lập Cục quy hoạch môi trường.
Về sau hàng năm người ta đều tổ chức hoạt động “Ngày Trái Đất”. Ngày 22/4/1990, nhân dịp kỉ niệm 20 năm “Ngày Trái Đất”, trên thế giới có 200 triệu người thuộc 140 quốc gia đã tham gia “Ngày Trái Đất” với các hình thức khác nhau. Ở Mianma có hoạt động phản đối giết voi; ở Braxin, người ta đến các sông vùng Amazon để trồng cây; người Luân Đôn ở Anh tổ chức các hoạt động khuyến khích khách hàng trả lại cho cửa hàng những bao gói hàng không cần thiết; người Nhật tiến hành hàng trăm hoạt động làm sạch môi trường; người Pari cưỡi xe đạp đi phố để khỏi thải ra khí ô nhiễm. Tích cực nhất vẫn là người Mỹ. Ở Oasinhtơn người ta đặt ra ngày “Hiệu suất năng lượng cao”, “Ngày tái tuần hoàn”, “Ngày tiết kiệm nước”, “Ngày thay thế vận tải”, v.v… ở vùng Malilen tổ chức người tình nguyện quét đường công cộng và tham gia trồng cây, vùng Phunia tổ chức “Ngày lễ âm nhạc vì Trái Đất”; học sinh tiểu học bang California thả côn trùng ra đồng để giết loài côn trùng có hại thay cho thuốc bảo vệ thực vật; trẻ em thành phố Pantima mặc quần áo bằng vải tái sinh đi diễu hành.