Nếu sử dụng kính viễn vọng thông thường để quan sát bầu trời sao mênh mông, bạn sẽ phát hiện vũ trụ là một bầu thiên hà nhiều màu sắc, luôn biến ảo. Không những bạn có thể nhìn thấy những dãy núi vòng cung trên Mặt Trăng mà còn có thể nhìn thấy những quầng sáng rất đẹp của Thổ tinh, vv. . Nếu sử dụng kính viễn vọng lớn hơn bạn sẽ nhìn thấy các đám mây muôn màu muôn vẻ và các hệ sao khác nằm ngoài hệ Ngân hà xa xôi. Người xưa nói: “Muốn nhìn xa ngàn dặm phải lên tầng lầu cao hơn”. Cho nên các nhà thiên văn muốn khám phá những thiên thể xa hơn thì không thể không dùng những kính viễn vọng có khả năng lớn hơn.
Độ lớn của kính viễn vọng là chỉ đường kính để ánh sáng đi qua nó, tức là chỉ đường kính của vật kính. Đường kính càng lớn thì hội tụ bức xạ của các thiên thể càng nhiều, khả năng hội tụ ánh sáng càng mạnh. Do đó kính viễn vọng đường kính lớn có thể quan sát được những thiên thể càng xa và càng tối, nó phản ánh khả năng quan trắc thiên thể của kính viễn vọng. Mặt khác năng lực phân biệt của kính viễn vọng được đánh giá bằng số nghịch đảo góc phân giải của kính viễn vọng. Góc phân giải là chỉ góc mở của ảnh hai thiên thể (hoặc hai bộ phận của một thiên thể). Bản lĩnh phân biệt cao là một trong những chỉ tiêu tính năng quan trọng của kính viễn vọng. Với điều kiện địa điểm đài thiên văn tốt, đường kính càng lớn khả năng phân biệt của kính viễn vọng càng cao, có thể quan trắc được những thiên thể càng xa. Đó là nguyên nhân khiến cho các nhà thiên văn không tiếc sức để chế tạo kính viễn vọng ngày càng lớn.
Năm 1609 Galile lần đầu tiên hướng kính viễn vọng có đường kính 4,4 cm vào bầu trời mênh mông và phát hiện được bốn vệ tinh của Mộc tinh, nhìn thấy rõ ngân hà do vô số các hằng tinh cấu tạo nên.
T ừ đó kính thiên văn phát triển mạnh mẽ. T ừ kính viễn vọng đầu tiên ra đời đến nay đã hơn 300 năm, đường kính của kính viễn vọng quang học đã tăng từ mấy cm ban đầu lên đến 10 m. Ngoài ra các loại kính viễn vọng: vô tuyến, hồng ngoại, tử ngoại, tia X và tia gama đều trở thành những thành viên quan trọng trong gia đình kính viễn vọng. Hơn nữa những kính viễn vọng này ngày càng lớn. Kính viễn vọng là “con mắt nghìn dặm” khiến cho các nhà thiên văn nhận được nhiều tài liệu quan trắc quý báu, khiến cho con người không ngừng đi sâu vào khám phá bí mật vũ trụ.