Khái niệm người máy (robota) xuất hiện đầu tiên năm 1924 bởi tác giả người Cộng hòa Séc, ông Karel Capek. Robota theo tiếng Séc là lao động cưỡng bức, nô lệ. Về sau, từ robota được gọi tắt là robot và sử dụng rộng rãi.
Người máy ngày càng xuất hiện nhiều trong cuộc sống loài người, dần dần có mặt trên các lĩnh vực khoa học – xã hội của đời sống. Thậm chí Sophia – một người máy được chế tạo bởi Hanson Robotics (Hong Kong) đã được cấp quyền công dân bởi Arab Saudi vào tháng 10/2017. Với tình hình này, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra về việc kiểm soát hành vi của người máy. Mặc dù hiện tại vẫn chưa xuất hiện thế hệ người máy sở hữu trí thông minh nhân tạo phức tạp, nhưng nhiều tác phẩm, phim truyện đã khắc họa nên motif người máy làm phản, hậu tận thế máy móc, và vô vàn những viễn cảnh đáng sợ khác của robot (Skynet trong Terminator, các robot trong Detroit: Become Human, AI Rampancy trong vũ trụ Halo,…).
Để trả lời cho câu hỏi về việc kiểm soát hành vi robot, năm 1942, một nhà văn khoa học viễn tưởng người Nga, ông Isaac Asimov đã đề xuất ba điều luật áp dụng cho người máy. Cụ thể như sau:
1. Người máy không được làm hại con người, hoặc thông qua việc không hành động khiến cho con người bị tổn hại.
2. Người máy phải tuân theo lệnh của con người, trừ khi lệnh đó đi trái điều luật thứ nhất.
3. Người máy phải bảo vệ sự tồn tại của nó miễn sao sự bảo vệ này không vi phạm điều luật đầu tiên và thứ hai.
Sau này, trong một tác phẩm khoa học viễn tưởng, ông bổ sung thêm một điều luật nữa nhằm khái quát điều luật thứ nhất: người máy không được làm hại nhân loại, hoặc không hành động khiến cho nhân loại bị tổn hại.
Kể từ đó, 3 điều luật trong truyện khoa học viễn tưởng trở thành luật chính thống trong giới nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và robot, được biết đến dưới cái tên “Luật Isaac Asimov”. Có thể nói, mặc cho nhiều mối lo ngại, những bước tiến khoa học của loài người đã và đang tiếp tục cho ra đời những thế hệ robot/AI ngày càng phát triển và có nhiều khả năng hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có những AI có khả năng đánh bại các nhà vô địch thế giới, từ các bộ môn có thể tính toán trước các bước đi như cờ vây (AlphaGO 4-1 Lee Sedol), hay đến cả môn thể thao điện tử thiên biến vạn hóa như Dota 2 (OpenAI vả vỡ mồm OG 2-0). Câu hỏi đặt ra là, làm cách nào để đảm bảo những robot mang trí tuệ nhân tạo tương đối cao như Sophia (và sau này là những hậu duệ của nó) tuân theo những điều luật của Isaac Asimov? Liệu trong một tương lai nào đó, loài người đánh mất quyền kiểm soát trên chính những tạo vật của mình?
Bài viết được tổng hợp bởi đội ngũ Science Realm.
Nguồn: Wikipedia
Để lại bình luận