Trí thông minh cảm xúc thấp là một vấn đề có thể ảnh hưởng lên nhiều mối quan hệ xã hội. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng trí thông minh cảm xúc còn thực sự quan trọng hơn IQ trong việc quyết định thành công chung của một người trong cuộc sống.
Hãy nghĩ về lần gần đây nhất bạn tranh cãi với một ai đó vì họ không hiểu cảm xúc của bạn. Hoặc ngẫm lại lần cuối bạn có xung đột với người khác vì bạn không thể hiểu họ cảm thấy như thế nào. Ở cả hai trường hợp, trí thông minh cảm xúc có thể đóng một vai trò quan trọng trong các xung đột tiềm ẩn này.
Trí thông minh cảm xúc có thể đóng một vai trò lớn lao trong cách ta tương tác với người khác. Đôi khi, đồng nghiệp, cấp trên, bạn bè, gia đình và những thân quen khác của bạn có thể gặp khó khăn với những kỹ năng cảm xúc của bản thân, từ đó gây cản trở các tương tác xã hội lấp đầy bởi căng thẳng. Trong những trường hợp khác, có thể chính trí thông minh cảm xúc của bạn lại là thứ cần phải cải thiện.
Mức độ thông minh cảm xúc của một người thường được gọi là chỉ số thông minh cảm xúc, hay EQ. Sau đây là một số dấu hiệu quen thuộc chỉ mức độ thông minh cảm xúc thấp.
1. Rơi vào quá nhiều tranh cãi.
Bạn hẳn cũng quen một một ai đó lúc nào cũng hay cãi cọ với người khác. Bạn bè, gia đình, đồng nghiệp thậm chí cả những người lạ chẳng mấy khi gặp cũng bị lôi vào những cuộc tranh luận với những người ưa “cãi” này. Vì những người có chỉ số EQ thấp thường gặp khó khăn lớn trong việc hiểu được cảm xúc của người khác, nên họ thường rơi vào những cuộc tranh cãi mà không cân nhắc đối phương cảm thấy như thế nào.
2. Không hiểu được mọi người cảm thấy như thế nào.
Người có chỉ số EQ thấp hoàn toàn mù tịt trước cảm xúc của người khác. Họ không hiểu bạn đời của mình có thể đang nổi đóa với họ hoặc đồng nghiệp họ đang cáu bẳn. Không chỉ vậy, họ còn cảm thấy cực kỳ tức tối khi biết đối phương mong đợi họ phải hiểu cảm xúc của đối phương. Nói chung, những cảm xúc khác nhau ở mọi người thường khiến những người có EQ thấp bực bội.
3. Nghĩ rằng mọi người đang quá nhạy cảm.
Người có chỉ số EQ thấp có thể pha trò vào những thời điểm không phù hợp. Ví dụ, họ có thể đùa cợt tại một đám tang hoặc ngay sau một sự kiện đau buồn. Khi người khác phản ứng lại những lời nói đùa vô duyên này thì những người kém thông minh cảm xúc này lại cảm thấy như thể mọi người đơn giản là đang quá nhạy cảm. Những người này rất khó để hiểu cảm xúc của người khác, vậy nên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ không thể nhận ra hay hiểu được “tông” cảm xúc chung của mọi người sau những sự kiện như vậy.
4. Từ chối lắng nghe quan điểm của người khác.
Người kém thông minh cảm xúc cảm thấy họ luôn đúng và luôn biện hộ cho hoàn cảnh của mình hết sức “có tâm”, nhưng lại từ chối không nghe những gì người khác phải nói. Điều này đặc biệt đúng khi đối phương góp ý về chính thái độ không đếm xỉa đến cảm xúc của người khác của những kẻ này. Họ thường bi quan và quá bài xích những cảm xúc của mọi người.
5. Đổ lỗi cho người khác.
Người có trí thông minh cảm xúc thấp ít khi nào hiểu rõ việc cảm xúc của chính họ có thể gây ra vấn đề. Khi có chuyện không hay xảy ra, bản năng đầu tiền của họ là đổ lỗi. Họ thường đổ lỗi cho tình huống hoặc hành vi của người khác khiến họ hành động như thế này như thế kia.
Họ cho rằng họ chẳng có lựa chọn nào khác, buộc phải làm cái họ đã làm và rằng những người khác đơn giản là không hiểu hoàn cảnh của họ. Khuynh hướng trốn tránh trách nhiệm này thường khiến họ cảm thấy cay đắng và như thể mình bị biến thành nạn nhân.
6. Không thể đối phó với những tình huống chứa đựng nhiều cảm xúc.
Cảm xúc mạnh, dù của chính bản thân mình hay người khác, cũng đều rất khó để hiểu đối với những người có trí thông minh cảm xúc kém. Những người này sẽ thường bỏ đi khỏi những tình huống như thế này để tránh không để bản thân phải xử lý hệ lụy về cảm xúc. Che dấu cảm xúc thật, và không để người khác biết là một hiện tượng vô cùng phổ biến.
7. Đột nghiên bộc phát cảm xúc.
Khả năng điều tiết cảm xúc là một trong 5 thành tố sống còn của trí thông minh cảm xúc. Người có EQ thấp thường vật lộn để hiểu và kiểm soát cảm xúc của chính mình. Họ có thể không lường trước được những cơn bộc phát cảm xúc nhanh và khó kiểm soát của chính mình.
8. Khó duy trì tình bạn.
Vì những người có EQ thấp thường hay trơ lì và vô cảm, nên họ rất khó duy trì các mối quan hệ thân thiết. Tình bạn thân thiết đòi hỏi sự cho đi và nhận lại đôi bên, việc chia sẻ cảm xúc, sự yêu thương và hỗ trợ cảm xúc đều là những thứ mà người có chỉ số EQ thấp gặp rất nhiều khó khăn.
9. Thiếu lòng thấu cảm.
Vì những người có EQ thấp không hiểu được cảm xúc của người khác nên họ sẽ có ít lòng thấu cảm cho mọi người. Họ không hiểu được cảm xúc của đối phương, vậy nên việc đặt mình vào vị trí của người khác với họ là điều không thể.
Trí thông minh cảm xúc kém có thể hủy hoại nhiều khía cạnh trong đời sống một người. Trường học, công việc, gia đình, bạn bè và các mối quan hệ tình cảm chỉ là một số khía cạnh đơn cử mà một người có EQ thấp sẽ gặp phải vấn đề lớn. Nếu bạn nghĩ kỹ năng cảm xúc của mình cần phải cải thiện chút ít, hãy bắt đầu tìm hiểu về mô hình tính cách 5 thành tố của trí thông minh cảm xúc.
Nguồn: Bài viết được tổng hợp bởi đội ngũ Science Realm từ Trangtamly.blog và Very Well Mind.
Để lại bình luận