Nói chuyện điện thoại trong khi lái xe rất nguy hiểm, vì sẽ khiến người lái phân vân, khó xử lý các tình huống giao thông có thể diễn ra.
Đây cũng là một ví dụ cho thấy hiệu quả của multitasking (làm nhiều việc cùng một lúc – sự đa nhiệm) không phải lúc nào cũng cao như chúng ta vẫn tưởng. Các nghiên cứu mới đã xác định được một giới hạn trong não của chúng ta, chỉ ra rằng chúng ta không có khả năng đa nhiệm thực sự, và làm việc đa nhiệm thực chất chỉ là làm nhiều việc cùng lúc, mỗi thứ một ít. Thực hành có thể cải thiện hiệu suất đa nhiệm của bạn, nhưng bạn sẽ không bao giờ tốt như khi tập trung vào một nhiệm vụ tại một thời điểm.
Vấn đề, theo Rene Marois, một nhà tâm lý học tại Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee, là có ít nhất một “điểm tắc nghẽn” trong não, nơi giới hạn hiệu quả multitasking. Để chứng minh điều này, Marois đã nghĩ ra một thí nghiệm để xác định vị trí của nó. Các tình nguyện viên xem một màn hình và khi một hình ảnh cụ thể xuất hiện, ví dụ một vòng tròn màu đỏ, họ phải nhấn một phím bằng ngón trỏ. Các vòng tròn màu khác nhau đòi hỏi việc nhấn phím từ các ngón tay khác nhau. Thời gian phản hồi thông thường là khoảng nửa giây và các tình nguyện viên nhanh chóng đạt được hiệu suất cao nhất. Sau đó, họ chuyển qua nghe các bản ghi âm khác nhau và trả lời bằng cách tạo ra một âm thanh cụ thể. Chẳng hạn, khi họ nghe thấy tiếng chim hót, họ phải kêu lên “ba”; một âm thanh điện tử thì nói “ko”,… Vẫn không có vấn đề. Một người bình thường có thể làm điều đó trong khoảng nửa giây một cách dễ dàng.
Rắc rối bắt đầu xảy ra khi Marois cho các tình nguyện viên xem một hình ảnh, và sau đó gần như ngay lập tức phát cho họ một âm thanh. Lúc này họ trở nên lúng túng. “Nếu bạn hiển thị một hình ảnh và phát âm thanh cùng một lúc, một nhiệm vụ sẽ bị hoãn lại”, ông nói. Trong thực tế, nếu nhiệm vụ thứ hai được đưa ra trong vòng nửa giây hoặc lâu hơn sau nhiệm vụ thứ nhất, đơn giản là nó sẽ bị trì hoãn cho đến khi nhiệm vụ thứ nhất được thực hiện xong. Độ trễ lớn nhất xảy ra khi hai nhiệm vụ được trình bày đồng thời; độ trễ dần dần ngắn đi khi khoảng thời gian chờ giữa việc trình bày các nhiệm vụ dài hơn.
Quay lại việc tìm kiếm các “điểm tắc nghẽn” được cho rằng đã tạo ra các giới hạn của multitasking, có ít nhất ba điểm như thế này theo Marois. Điểm tắc nghẽn đầu tiên, là việc xác định những gì ta đang nhìn. Việc này có thể mất vài phần mười giây, trong thời gian đó chúng ta không thể nhìn thấy và nhận ra một thứ khác. Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng nếu bạn đang theo dõi một sự kiện cụ thể và sự kiện thứ hai bất ngờ xuất hiện, nó có thể được ghi vào vỏ não thị giác của bạn, nhưng bạn sẽ không thể phản ứng ngay lập tức với nó. Thú vị là, nếu bạn không thực sự tập trung vào sự kiện đầu tiên, bạn sẽ không gặp khó khăn gì khi phản hồi lại sự kiện thứ hai. Cơ chế của các quy luật phản xạ này vẫn còn đang đoực tranh cãi.
Điểm tắc nghẽn thứ hai nằm trong bộ nhớ thị giác ngắn hạn (short-term memory).Có một ước tính cho rằng chúng ta có thể theo dõi được khoảng bốn đối tượng cùng một lúc, và ít hơn nếu là các đối tượng phức tạp. Sự thiếu hụt năng lực này có thể giải thích cho trò chơi “Tìm điểm khác nhau giữa 2 tấm hình”, vì thường chúng ta không thể phát hiện ra những thay đổi nhỏ trong những cảnh giống hệt nhau. Cho mọi người xem 2 bức ảnh gần giống nhau – giả sử, động cơ máy bay trong một bức ảnh đã biến mất trong bức ảnh kia – và họ sẽ khó phát hiện ra sự khác biệt. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là, ở đây yếu tố gì đã giới hạn chúng ta? Dung lượng lưu trữ của bộ nhớ, hay là khả năng tập trung?
Điểm tắc nghẽn thứ ba là việc quyết định một phản hồi đối với một kích thích – ví dụ như bóp phanh khi bạn nhìn thấy một đứa trẻ trên đường, hoặc trả lời một ai đó trong cuộc hội thoại. Những hành động này, dĩ nhiên, cũng tiêu tốn năng lực xử lý của não bộ. Việc lựa chọn một phản ứng cho những sự kiện này – nên bóp phanh hay bẻ cua, nên nói chuyện thân thiện hay cục súc – sẽ trì hoãn khoảng một phần mười giây việc phản hồi của bạn. Đây được gọi là Lý thuyết “Response Selection Bottleneck” (tạm dịch: Lý thuyết Tắc nghẽn trong việc Lựa chọn hồi đáp), được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1952.
Nhưng David Meyer, một nhà tâm lý học tại Đại học Michigan, Ann Arbor, không đồng ý với điều này. Ông nghĩ rằng sự trì hoãn trong các thí nghiệm dual-task này chỉ là bằng chứng của một chiến thuật được sử dụng bởi bộ não để ưu tiên việc nào sẽ làm trước trong multitasking. Khác với Marois, Meyer tin rằng các giới hạn của multitasking hoàn toàn có thể được gỡ bỏ. Các thí nghiệm của ông đã chỉ ra rằng với việc thực hành đủ – ít nhất 2000 lần – một số người có thể thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ một cách thành thạo như thể họ đang thực hiện từng nhiệm vụ một cùng lúc.
Ông cho rằng có một bộ xử lý nhận thức trung tâm điều phối tất cả những điều này. Nếu có nhiều hơn 2 nhiệm vụ, Meyer nghĩ rằng nó nó sẽ chọn trì hoãn một nhiệm vụ trong khi hoàn thành một nhiệm vụ khác. Marois cũng đồng ý rằng đôi khi việc thực hành có thể cải thiện năng lực multitasking. Ông nhận ra chỉ với 1 giờ luyện tập mỗi ngày trong hai tuần, các tình nguyện viên cho thấy một sự cải thiện lớn trong việc thực hiện cả hai nhiệm vụ cùng một lúc. Rốt cuộc, có rất nhiều ví dụ về multitasking trong tiềm thức mà hầu hết chúng ta thường thực hiện: đi bộ và nói chuyện, ăn và đọc, xem TV và gấp quần áo.
Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi về cơ bản, chúng ta trở nên kém năng suất với các hoạt động đa nhiệm khi chúng ta già đi. Theo Art Kramer tại Đại học Illinois tại Urbana- Champaign, người nghiên cứu về sự lão hóa ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, chúng ta đạt đến đỉnh cao ở độ tuổi 20. Các vận động viên, game thủ thực tế cho thấy năng lực cao nhất trong độ tuổi này.
Mặc dù có sự suy giảm chậm trong độ tuổi 30 đến 50, hiệu quả đa nhiệm vẫn còn đáng kể; và sau 55, nó trở nên tệ hơn. Trong một nghiên cứu, ông và các đồng nghiệp của mình có cả những người tham gia trẻ và già thực hiện một nhiệm vụ lái xe mô phỏng trong khi thực hiện một cuộc trò chuyện. Ông thấy rằng trong khi các tài xế trẻ có xu hướng bỏ lỡ các sự kiện nhỏ, thì các tài xế lớn tuổi thường bỏ lỡ những sự kiện lớn và có tính liên quan cao. Tuy vậy, ở người già, hiệu quả đa nhiệm sẽ thay thế bằng kinh nghiệm thâm niên, không chỉ ở kiến thức lưu trữ trong bộ nhớ, mà còn là cách bộ não hoạt động.
Như vậy, có thể kết luận ở thời điểm hiện tại, multitasking không thực sự hiệu quả hơn so với tập trung lần lượt làm từng việc một. Nhưng hiệu quả đa nhiệm có thể được cải thiện hơn bằng luyện tập, nâng cao hiệu suất làm việc của con người. Các nghiên cứu đã, đang và sẽ ngày càng mở ra nhiều hơn nữa những bí mật của não bộ – kì quan bí ẩn nhất mà tạo hóa đã ban cho loài người.
“Mr.Freeman, what if we used 100 percent of the brain?”
Nguồn: tổng hợp từ Wikipedia và entrepreneur.com.
Để lại bình luận