Cassini được xem là thiết bị thăm dò đầu tiên quan sát sao Thổ và vành đai vệ tinh của nó. Được đặt tên theo nhà thiên văn học thế kỉ XVII Giovanni Cassini – người đầu tiên quan sát 4 mặt trăng của sao Thổ (Iapetus, Rhea, Tethys và Dione), thiết bị thăm dò Cassini được giao nhiệm vụ tìm hiểu sao Thổ và các vệ tinh xung quanh, gửi về Trái Đất những bức ảnh và dữ liệu nghiên cứu quý giá, điều mà những tiền thân của nó – Pioneer 11, Voyager 1, Voyager 2 đã không thực hiện được vì bề mặt sao Thổ không thể quan sát bằng vùng quang phổ khả kiến (bởi bầu khí quyển dày của nó), cũng như không thể quan sát từ Trái Đất bằng kính thiên văn
Là thành quả hợp tác của nguồn nhân lực khổng lồ từ 27 quốc gia, nguồn vốn đầu tư khoảng 3.3 tỉ USD, dự án Cassini-Huygens rời bệ phóng vào ngày 15/10/1997. Sau 7 năm, lần lượt bay qua sao Kim, Trái Đất, thiên thạch 2695 Masursky và sao Mộc, Cassini tiến vào quỹ đạo sao Thổ vào ngày 1/7/2004. Nhiệm vụ chính của Cassini bao gồm tìm kiếm thêm các vệ tinh và mặt trăng khác, đồng thời tìm hiểu cấu trúc, màu sắc và nguyên nhân hình thành vành đai sao Thổ.
Ngày 14/1/2005, Cassini thả xuống Titan – mặt trăng lớn nhất của sao Thổ – thiết bị đổ bộ Huygens. Được đặt tên theo nhà thiên văn lỗi lạc người Đức Christiaan Huygens, thiết bị đổ bộ này, trong gần 4 tiếng đồng hồ hoạt động, đã truyền phát về Trái Đất những dữ liệu quý giá đầu tiên: thông tin về kết cấu bề mặt, tốc độ gió và thành phần khí quyển của Titan.
Trong khi đó, Cassini liên tục thu thập những hình ảnh và dữ liệu đáng kinh ngạc về các mặt trăng. Một vài phát hiện tiêu biểu có thể kể đến như:
Phát hiện thêm 3 mặt trăng của sao Thổ: Methone, Pallene và Polydeuces.
Phát hiện bằng chứng về sự tồn tại của nước dạng lỏng trên Enceladus, một mặt trăng đầy băng giá. Dưới tác dụng của trọng lực sao Thổ, Enceladus phóng những tia chứa đầy băng và khí từ biển nước dưới bề mặt, nơi được cho rằng có khả năng cao tồn tại dạng sống hữu cơ. Cassini, qua nhiều lần bay ngang Enceladus, đã tiếp tục thu thập nhiều hơn nữa thông tin về khí quyển của nó.
Phát hiện thêm nhiều sông/hồ methane trên bề mặt Titan. Ngoài ra thông tin từ Huygens còn cho thấy địa hình xung quanh chứa đầy các phân tử hữu cơ phức tạp. Với những phát hiện này, các nhà khoa học cho rằng Titan có những nét tương đồng lớn với Trái Đất thời kì băng giá khoảng 715 triệu năm trước, giúp chúng ta nghiên cứu về lịch sử hình thành của Trái Đất.
Phát hiện dấu vết dịch chuyển địa chất dài 50 dặm trên bề mặt Iapetus, có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu lịch sử hình thành của nó.
Những hình ảnh cận cảnh của mặt trăng Rhea, cùng vị trí của các hố lõm và miệng núi lửa.
Một vành đai lớn cách sao Thổ 8 triệu dặm, nhiều khả năng được tạo thành bởi các mảnh vụn từ mặt trăng Phoebe.
Ngoài ra, Cassini còn gửi về hàng chục nghìn bức ảnh chụp cận cảnh sao Thổ, các mặt trăng – vành đai, và cả những bức ảnh của sao Mộc cùng các mặt trăng của nó khi Cassini bay ngang qua vào năm 2000. Các bạn có thể xem những bức ảnh đó tại trang web của NASA: https://www.nasa.gov/mission_pages/cassini/images/index.html
Sau hơn 20 năm hoạt động, Cassini đã gần cạn kiệt nhiên liệu. Để tránh vô tình đâm vào những mặt trăng lân cận – nơi có khả năng cao tồn tại dạng sống hữu cơ, các nhà khoa học quyết định cho Cassini tiến vào bầu khí quyển sao Thổ. Ngày 15/9/2017, sau khi nhận được những tín hiệu cuối cùng của Cassini như một lời tạm biệt, NASA tuyên bố sứ mệnh nghiên cứu sao Thổ kéo dài hai thập kỉ đã kết thúc thành công. Cassini đã trở thành một phần của sao Thổ, nhưng câu chuyện phi thường của nó, như một anh hùng đơn độc đầy kiêu hãnh, sẽ tiếp tục được tưởng nhớ, trong suốt hành trình chinh phục những vì sao của loài người.
Mời các bạn xem qua đoạn phim tài liệu ngắn này, được sản xuất bởi Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực NASA, để thấy được hành trình kì diệu ấy:
Nguồn: Bài viết được thực hiện bởi đội ngũ Science Realm.
Các tài liệu tham khảo thêm của bài viết: space.com, NASA, Youtube và Wikipedia.
Christiaan Huygens là người Hà Lan.