Khoảng không gian cá nhân hay còn gọi là khu vực riêng tư của mỗi người trong từng nền văn hóa, chủng tộc, tôn giáo khác nhau thì sẽ có sự khác biệt rất lớn.
Khoảng không gian cá nhân là khoảng không xung quanh một người mà khi bạn trò chuyện, giao tiếp 1-1 hoặc với nhiều người thì bạn cảm thấy an toàn, thoải mái. Mỗi người chúng ta đều cố gắng bảo vệ và kiểm soát “khu vực riêng tư” của mình. Điều này được gọi là hành vi lãnh thổ, và nó được lập trình sẵn trong não bộ chúng ta.
Lấy từ thực tế thì: Đối với người Nhật thì họ sẽ cảm thấy thoải mái khi trò chuyện với người cách họ khoảng 10 inches( 0.254 mét). Với người Mỹ thì sẽ dao động từ khoảng 18-48 inches ( 0.45- 1.2 mét )….
Giống như nét mặt, cử chỉ tay và các điệu bộ hình thể khác, không gian cũng biết nói. Proxemics – ngành học nghiên cứu về không gian trong giao tiếp không lời sẽ cho ta biết mức độ các mối quan hệ giữa mọi người với nhau. Khoảng cách giao tiếp giữa các cá nhân tác động lên thái độ và cách phản ứng của họ khi tương tác.
Hầu hết mọi người đều chọn ngồi gần những người họ thích và có cùng quan điểm với chủ đề thảo luận, đồng thời tìm cách tránh những người mình không thích. Có thể chia thành 5 vùng không gian sau:
– Vùng đại chúng (trên 3,6 m)
Vùng này hầu như được sử dụng khi diễn thuyết trước công chúng.
– Vùng xã giao (từ 1,2 – 3,6 m)
Khoảng cách này phù hợp cho hầu hết các mối quan hệ trong công việc hàng ngày. Chúng ta thường giữ khoảng cách này khi tương tác với những nhân viên mới quen hoặc ở những cuộc gặp trang trọng.
– Vùng riêng tư xa (từ 0,6 – 1,2 m)
Khoảng cách giữa các cá nhân khi tiếp xúc với nhau cỡ một cánh tay. Trong vùng này, chúng ta có thể giao tiếp thoải mái mà không sợ phải đụng chạm nhau.
– Vùng riêng tư gần (45 – 60 cm)
Đây là khoảng cách nhiều người ở Mỹ thích sử dụng. Vùng này xuất hiện trong các tương tác giữa bạn bè, người quen và các đối tác đáng tin cậy.
– Vùng thân mật (từ 0 – 45 cm)
Vùng này được dành cho gia đình và những người yêu nhau. Trong vùng này, chúng ta có thể ôm, chạm và thì thầm với nhau. Sự tiếp xúc gần gũi này chỉ dành riêng cho các mối quan hệ cá nhân.
Dĩ nhiên, những vùng không gian trên vô hình đối với mỗi chúng ta nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không tồn tại. Có những người cảm thấy thoải mái khi ở trong xe điện ngầm hoặc ở thang máy đông người – nơi buộc phải đứng gần với những người mà ta quen biết, nhưng cũng có những người ngược lại. Khi có người lạ nào đó bước vào vùng không gian riêng của ta, chúng ta thường cúi hoặc tránh ra, cố tạo ra khoảng cách có thể chấp nhận được với họ.
Mức độ khoảng cách tạo nên sự thoải mái cũng khác nhau, tùy theo mỗi người. Những người không thích bị đụng chạm có khuynh hướng giữ khoảng cách với người khác. Ngược lại, những người thích tiếp xúc, lại muốn thu ngắn khoảng cách khi trò chuyện.
Dĩ nhiên, khoảng cách giao tiếp giữa các cá nhân cũng khác nhau, tùy vào mức độ tin cậy trong mối quan hệ của họ. Khoảng cách càng xa, mức độ tin cậy càng thấp.
Chúng ta có thể đánh giá các mối quan hệ dựa vào khoảng cách giữa họ. Nếu khoảng cách giữa hai người đang đứng nói chuyện rất gần, khoảng nửa mét, thì có thể họ khá thân thiết với nhau.
Có thể nói, không gian tương tác trở thành một phần quan trọng trong giao tiếp.
Giới tính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra khoảng cách. Giữa đàn ông với nhau, nếu không quen biết, họ sẽ giữ khoảng cách. Trong khi đó, khoảng cách này sẽ được rút ngắn lại khi họ trò chuyện với những người phụ nữ mới gặp. Những khác biệt về khoảng cách giữa các cá nhân ở thế giới thực vẫn có thể được tìm thấy trong thế giới ảo…
Nguồn: Bài viết được thực hiện và tổng hợp và dịch thuật bởi Science Realm.
Nguồn tài liệu tham khảo: Trích từ chương 7 Sách: “The NONVERBAL ADVANTAGE”
Để lại bình luận