Hơn 300 năm trước các nhà thiên văn thông qua kính viễn vọng lần đầu tiên nhìn thấy núi vòng tròn hay núi miệng phễu trên Mặt Trăng. Quả thật họ không dám tin vào mắt mình, bởi vì lẽ nào đấy lại là những thứ xuất hiện trên Mặt Trăng trong sáng và đẹp như ngọc? Những thiết bị thám hiểm vũ trụ gần đây phát hiện núi vòng tròn không phải là “đặc sản” riêng của Mặt Trăng mà hầu như các hành tinh và vệ tinh trên bề mặt đều có rất nhiều núi vòng tròn.
Từ những bức ảnh của các thiết bị thám hiểm vũ trụ gửi về, Thủy Tinh và Mặt Trăng giống nhau, ở đó bề mặt phân bố dày đặc các núi vòng tròn, nhưng thưa thớt hơn nhiều so với Mặt Trăng. Hoả Tinh và hai vệ tinh của nó cũng có núi vòng tròn. Trên Hoả Tinh diện tích bề mặt có nhiều hố chiếm gần hết một nửa. Vệ tinh của Mộc Tinh cũng có những hố chồng chất lên nhau, đặc biệt là bề mặt vệ tinh thứ 4 của Mộc Tinh núi vòng tròn dày đặc, hoàn toàn có thể so sánh với Thủy Tinh và Mặt Trăng. Thổ Tinh và các vệ tinh của Thiên Vương Tinh cũng có núi vòng tròn ở những mức độ khác nhau.
Trái Đất mà ta đang sống cũng không ngoại lệ. Con người dùng những biện pháp tiên tiến như vệ tinh nhân tạo đã phát hiện được trên mặt đất có hơn 1000 lỗ trũng và núi vòng tròn.
Bàn về nguyên nhân xuất hiện núi vòng tròn, nhiều học giả đều giữ ý kiến riêng của mình. Các nhà khoa học qua khảo sát thực địa đã phát hiện chung quanh núi vòng tròn trên Mặt Trăng có nhiều lớp viền đồng tâm, chúng phát triển về bốn phía của núi vòng tròn theo dạng bức xạ, ngoài ra còn có những núi vòng tròn thành chuỗi cũng như những gò đồi nằm giữa vùng trũng của núi vòng đó cũng chứng minh nguyên nhân hình thành của nó là do va chạm. Có những núi vòng tròn bề ngoài rất giống miệng núi lửa. Trên Mặt Trăng phân bố một lượng lớn núi lửa còn lại nhiều dấu vết. Những dấu vết này là chứng cứ nguyên nhân hình thành núi lửa. Hiện nay cách nhìn về nguyên nhân hình thành núi vòng tròn trên Mặt Trăng căn bản hướng về xu thế: tuyệt đại đa số núi vòng tròn là do vẫn thạch va chạm gây nên, chỉ một số ít là dấu tích còn lại của núi lửa.