Thông tin là gì thì chúng ta đã làm rõ ngay từ bài một rồi. Thông tin thường có được thông qua việc xử lý và phân tích.
Nếu chúng ta cứ tiếp nhận thông tin mà không phân tích thì rất có khả năng bị thông tin giả làm hoang mang, thậm chí bị “đánh lừa”.
Tri thức là việc tổng kết các loại kinh nghiệm mà loài người từ nhận thức, dựa vào tự nhiên, biến thành quá trình chinh phục tự nhiên, là sự tổng kết nhận thức chính xác đối với quy luật vận động của thế giới khách quan. Con người đã dựa vào tri thức mà chế ra được kính viễn vọng nhìn tới được các thiên thể cách xa tới ngoài 10 tỉ năm ánh sáng, đã chế tạo được máy tính, mỗi giây tính được mấy ngàn tỉ phép tính, đã thiết kế được máy bay vũ trụ và phi thuyền vũ trụ, đã tạo ra nền văn minh tinh thần cho loài người.
“Tri thức khoa học một khi được con người nắm vững thì sẽ biến thành sức mạnh vô biên”. Con người đã dựa vào sức mạnh tri thức để trở thành chủ nhân thiên nhiên, vạch ra điều huyền bí của tự nhiên, hé mở những nhân tố nội tại sản sinh ra của cải xã hội. Quặng không luyện thì không thành gang thép, không làm ra được tàu hỏa, máy bay, xe hơi; than không khai thác sẽ mãi mãi ngủ sâu trong lòng đất. Luyện kim và khai thác than không phải là ai cũng làm được, chỉ ai nắm vững tri thức khoa học và kỹ thuật mới có thể đạt được mục đích này.
Tóm lại, trong lao động sản xuất và thực tiễn xã hội, con người nếu chỉ dựa vào thông tin thì không được. Chỉ khi biết sàng lọc thông tin, phân tích, ghi nhớ, tư duy tích lũy và tiến hành xử lý hệ thống hóa thì mới biến thông tin thành tri thức và có thể lao động sáng tạo. Chỉ có như vậy chúng ta mới kế thừa và tiếp thụ được trí tuệ và tinh hoa kiến thức của lớp người đi trước và đón chào tương lai tươi đẹp bằng thành quả lao động sáng tạo của chính chúng ta.