Heli là một trong những nguyên tố nhẹ nhất trên Trái Đất, nó chỉ đứng sau hydro. Trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học nó đứng ở vị trí thứ hai, ký hiệu là He, tên tiếng Anh là “helium”. Nó bắt nguồn từ tiếng Hylạp là “Helios” có nghĩa là Mặt Trời, nên heli cũng được gọi là nguyên tố Mặt Trời.
Heli và Mặt Trời có mối quan hệ gì?
Đó là lần nhật thực toàn phần ngày 18 tháng 8 năm 1868, nhà khoa học P. Janssen đến ấn độ để quan trắc nhật thực toàn phần. Ông phát hiện trong quang phổ của bề mặt Mặt Trời có một vạch sáng màu vàng không thể ăn khớp với màu vàng trong quang phổ của các nguyên tố khác mà ta đã biết.
Ngày thứ hai với sự áy náy, trăn trở, một lần nữa ông lại quan trắc Mặt Trời. Khiến cho ông phấn khởi và kinh ngạc là, tia màu vàng đó vẫn ở vị trí cũ. Do đó Janssen viết thư cho viện khoa học Pháp báo cáo kết quả phát hiện của mình.
Nhà khoa học Anh J. Lokyer khi tiến hành quan trắc cũng phát hiện vạch vàng đó. Ngày 20 tháng 10 ông cũng gửi thư cho Viện khoa học Pháp báo cáo kết quả quan trắc của mình.
Đúng là sự trùng hợp kỳ lạ, hai bản báo cáo cùng một sự kiện, cùng một thời gian gửi đến Viện khoa học Pháp. Ngày 26 tháng 10 năm đó cùng được công bố trong Hội nghị của Viện khoa học. Hồi đó vạch vàng được cho là quang phổ của một nguyên tố mới rất đặc biệt không tồn tại trên Trái Đất, do đó người ta gọi nó là helium, tức là nguyên tố Mặt Trời.
Nguyên tố Mặt Trời được tìm thấy trên Trái Đất là sự kiện xảy ra sau đó 27 năm. Tháng 2 năm 1895 nhà hoá học nổi tiếng Anh là Ramsay khi đo tính chất vật lý của nguyên tố khí trơ agon ông vừa phát hiện năm trước cũng là nguyên tố khí trơ được phát hiện sớm nhất, bạn bè đã có thiện ý nhắc nhở ông rằng, trước đây có người khi làm thí nghiệm về quặng Urani – ytri cũng đã từng nhận được chất khí có hiện tượng khác thường là không cháy, nên nhắc nhở ông phải chú ý đến điều đó. Chất khí đó có phải agon không? Ramsay cảm thấy sự nhắc nhở của bạn bè rất có lý. Khi ông dùng kính phân quang để kiểm tra quặng Urani – ytri thì tìm thấy một chất khí, phát hiện này không phải là agon, mà trong quang phổ của nó có một vạch sáng màu vàng khác với màu vàng của các chất khác, nó cũng không giống với vạch quang phổ khí agon.
Ban đầu Ramsay cho rằng vạch vàng này do nguyên tố Natri phát ra, có thể khi làm thí nghiệm đã không cẩn thận làm rơi một chất gì đó có chứa muối ăn (NaCl). Qua kiểm tra kỹ và làm thí nghiệm nhiều lần, vạch vàng đó vẫn xuất hiện ở chỗ cũ. Để làm rõ vạch vàng này từ đâu mà có, ông đã làm thí nghiệm loại quặng này có bỏ thêm NaCl vào, nhưng vạch vàng của natri vẫn không trùng với vạch vàng cũ. Kết quả quang phổ của chất khí cũ vẫn đồng thời xuất hiện.
Lúc đó Ramsay nghĩ đến 27 năm trước Janssen đã phát hiện vạch vàng trong quang phổ Mặt Trời, lẽ nào trong quặng Urani – ytri của Trái Đất cũng có nguyên tố Mặt Trời?
Qua nhiều thí nghiệm chứng tỏ sự thật là như thế. Nguyên tố Mặt Trời hoàn toàn thống nhất với chất khí tìm được trong quặng Urani – ytri, đó là nguyên tố heli.