Vũ trụ được khởi nguồn như thế nào? Xưa nay luôn có người quan tâm đến vấn đề này. Về mặt này có nhiều truyền thuyết thần thoại, cũng có người đưa ra không ít giả thuyết khoa học. Nhà thiên văn Gamop Mỹ từng đưa ra quan điểm mới. Ông cho rằng vũ trụ có một giai đoạn từ dày đặc đến loãng, từ nóng đến lạnh, không ngừng giãn nở. Quá trình này giống như là một vụ nổ lớn. Nói một cách đơn giản vũ trụ được khởi nguồn từ một vụ nổ. Lý luận vũ trụ bùng nổ là học thuyết lớn nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất trong vũ trụ học hiện đại.
Thuyết vũ trụ là một vụ nổ đã chia vũ trụ có quá trình biến đổi hơn 20 tỉ năm nay thành ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là thời kỳ sớm nhất của vũ trụ. Khi vụ nổ vừa xảy ra, cả vũ trụ ở trạng thái nhiệt độ và mật độ vô cùng cao. Nhiệt độ cao khoảng trên 10 tỉ độ C, trong điều kiện đó đừng nói đến sự sống không tồn tại mà ngay đến Trái Đất, Mặt Trăng, Mặt Trời cũng như các thiên thể khác đều chưa tồn tại, thậm chí chưa hề tồn tại một nguyên tố hoá học nào.
Trong vũ trụ chỉ có những hạt vật chất cơ bản, như các nơtron, proton điện tử, photon, và các nơtrino v.v. . Thời kỳ đó của vũ trụ rất ngắn, có thể tính hàng giây. Cùng với sự giãn nở không ngừng của vũ trụ, nhiệt độ giảm xuống rất nhanh . Khi nhiệt độ giảm đến khoảng một tỉ độ C thì vũ trụ đi vào giai đoạn thứ hai, các nguyên tố hoá học bắt đầu hình thành trong giai đoạn này. Ở giai đoạn hai nhiệt độ tiếp tục giảm đến một triệu độ C, lúc đó những nguyên tố hoá học được hình thành sớm đã kết thúc quá trình. Các chất trong vũ trụ chủ yếu là những hạt nhân nguyên tử, các proton, điện tử, quang tử, đương nhiên bức xạ quang rất mạnh và không có sự tồn tại của các vì sao.
Giai đoạn hai kéo dài hàng nghìn năm. Khi nhiệt độ giảm đến mấy nghìn độ C là bước vào giai đoạn thứ ba. Trong lịch sử 20 tỉ năm của vũ trụ, đây là thời kỳ dài nhất. Đến nay chúng ta vẫn đang sống trong giai đoạn này. Vì nhiệt độ giảm thấp nên bức xạ cũng dần dần giảm yếu. Trong vũ trụ chứa đầy chất khí. Những khí này dần dần hình thành các đám tinh vân, tiến thêm một bước hình thành hệ thống hằng tinh các dạng, trở thành thế giới thiên hà muôn màu muôn vẻ mà ngày nay ta đang thấy. Đó là bức tranh đại thể về vụ nổ vũ trụ.
Thuyết vũ trụ nổ khi mới ra đời được ít người chú ý đến, nhưng sau hơn 70 năm nó không ngừng được chứng thực nhiều kết quả quan trắc và được nhiều nhà thiên văn ủng hộ.
Ví dụ người ta đã quan trắc được dải phổ dịch chuyển về phía tia đỏ của hệ thống thiên thể nằm ngoài hệ Ngân hà. Dùng hiệu ứng Doppler để giải thích hiện tượng này thì đó là phản ánh sự giãn nở của vũ trụ. Điều đó hoàn toàn phù hợp với thuyết vũ trụ nổ.
Căn cứ thuyết này, nhiệt độ vũ trụ ngày nay chỉ còn mấy độ theo thang nhiệt độ tuyệt đối. Sự phát hiện bức xạ vi ba vũ trụ 3 K của những năm 60 của thế kỷ XX là một luận điểm mạnh mẽ ủng hộ thuyết này. Có được những thực tế quan trắc này đã khiến cho học thuyết vũ trụ được khởi nguồn từ vụ nổ lớn đã trở nên nổi tiếng được nhiều người thừa nhận. Nhưng học thuyết này cũng chưa giải quyết được một số vấn đề, cần phải chờ các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu và quan trắc nhiều tài liệu hơn nữa mới có thể đi đến kết luận.