Người đầu tiên đưa ra yêu cầu bảo vệ môi trường là nhà nữ sinh vật học người Mỹ Rachel Carson.
Bà Carson sinh năm 1907 ở một thị trấn phong cảnh rất đẹp thuộc bang Penncylvania. Từ nhỏ bà đã rất yêu thiên nhiên. Bà là sinh viên trường Đại học Penncylvania. Ban đầu học chuyên ngành Anh văn. Năm thứ ba, chuyển sang học khoa Sinh vật vì bà rất say mê rừng, biển và các sinh vật hoang dã, về sau bà chuyển sang học Sinh thái học. Năm 1929, tốt nghiệp loại xuất sắc và nhận được học vị thạc sĩ Sinh thái học, sau đó bà làm giáo sư sinh thái học ở Đại học Malilan. Bà thường dành các kì nghỉ hè để đi sâu nghiên cứu sinh thái học biển. T ừ những năm 40, bà bắt đầu biên soạn và lần lượt cho xuất bản những tác phẩm có liên quan tới biển và sinh vật biển, như “Dưới gió biển”, “Biển xung quanh chúng ta”, “Ven bờ biển” v.v… Những tác phẩm này đã lần lượt ra đời, trong đó cuốn “Biển xung quanh chúng ta” đã nhận được Giải thưởng Quốc gia, trong một thời gian ngắn số lượng phát hành lên đến 20 vạn bản.
Từ thập kỉ 40, bà Carson đã cùng đồng nghiệp đưa ra lời cảnh báo về sự nguy hiểm do tình trạng lạm dụng thuốc DDT và những loại thuốc diệt côn trùng khác. Bắt đầu từ năm 1955, bà đã bỏ ra 4 năm để nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đối với môi trường sinh thái. Bà đã chịu đựng muôn vàn vất vả, có mặt ở các vùng có dùng thuốc trừ sâu, tự mình quan sát, lấy mẫu, phân tích và trên cơ sở đó viết nên tác phẩm “Mùa xuân lặng lẽ”.
Tác phẩm này đã miêu tả một cách sinh động cảnh tượng môi trường sống của con người bị ô nhiễm nghiêm trọng; chứng minh con người có mối quan hệ mật thiết với không khí, biển, sông ngòi, đất đai và các sinh vật xung quanh; vạch trần sự phá hoại môi trường sinh thái của thuốc trừ sâu. Nó cảnh báo hoạt động của con người đã làm ô nhiễm môi trường. Điều đó không những uy hiếp sự sinh tồn của nhiều loài sinh vật mà còn làm nguy hại đến bản thân cuộc sống của con người. Cuốn sách đã nêu lên một vấn đề quan trọng trong cuộc sống nhân loại trong thế kỉ XX, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Cuốn sách “Mùa xuân lặng lẽ” sau khi xuất bản đã gây nên một tiếng vang
trên thế giới, rất nhanh nó được dịch thành nhiều thứ tiếng và có một ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Không lâu sau, phong trào bảo vệ môi trường được dấy lên rầm rộ ở khắp mọi nơi.
Đầu thập kỉ 60, bà Carson tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu của mình. Do lao động quá mức và vì tiếp xúc lâu dài với các thuốc bảo vệ thực vật, bà đã bị mắc bệnh ung thư. Năm 1964, bà Carson qua đời. Bà đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cứu vãn môi trường.