Mặt Trăng là vệ tinh thiên nhiên duy nhất của Trái Đất, là thiên thể đã được loài người biết đến từ lâu. Vậy những hành tinh khác của hệ Mặt Trời có vệ tinh riêng không? Những quan trắc nghiên cứu về mặt này mãi đến đầu thế kỷ XVII mới bắt đầu.
Tháng 1 năm 1610, Galile nhà bác học Italia lần đầu tiên dùng kính viễn vọng tự chế tạo, khi quan sát Mộc tinh phát hiện Mộc tinh có 4 vệ tinh. T ừ đó đến cuối thế kỷ XIX các nhà khoa học phát hiện 6 hành tinh lớn của hệ Mặt Trời tổng cộng có tất cả 21 vệ tinh.
Đến cuối năm 2006, các thành viên trong gia đình vệ tinh đã mở rộng đến 156 ngôi, tức là nói Trái Đất có 1 vệ tinh, Hoả Tinh có 2, Mộc tinh có 63, Thổ tinh có 47, Thiên Vương Tinh có 27, Hải Vương Tinh có 13, Diêm Vương Tinh có 3, chỉ có Kim Tinh và Thuỷ tinh đến nay chưa phát hiện có vệ tinh riêng. Ở thập kỷ 70 của thế kỷ XX, các nhà khoa học đã phóng các thiết bị thám không bay gần Kim Tinh và Thuỷ tinh nhằm tìm kiếm vệ tinh của chúng nhưng vẫn chưa tìm thấy.
Các đại hành tinh có vệ tinh đã là điều quen biết. Nhưng đến năm 1978 các nhà thiên văn kinh ngạc phát hiện thấy, một tiểu hành tinh có tên gọi là “Đại lực thần” cũng có vệ tinh riêng, tiểu hành tinh này không lớn lắm, đường kính chỉ có 243 km, đường kính vệ tinh của nó là 45,6 km, bằng 19% đường kính của tiểu hành tinh, cự ly của hai bên là 977 km.
Cũng trong năm 1978, chung quanh tiểu hành tinh “Maipoman” có đường kính 135 km cũng phát hiện thấy có vệ tinh với đường kính 37 km.
Liên tục phát hiện các vệ tinh của tiểu hành tinh khiến cho các nhà khoa học một lần nữa phải soát xét lại các tài liệu quan trắc trước đây coi như đã hoàn thành để xem có tìm thấy vệ tinh của hành tinh nào nữa không.
Ngày nay đã chứng thực được số tiểu hành tinh có vệ tinh không dưới 10 ngôi. Thậm chí có người còn cho rằng một số tiểu hành tinh nào đó có một vệ tinh trở lên.
Tiểu hành tinh vốn khá nhỏ, vệ tinh của nó lại càng nhỏ hơn. Những tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời có vệ tinh đã mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới rộng lớn đối với các nhà khoa học.