Nói đến châu chấu, người ta sẽ liên tưởng ngay đến đàn châu chấu phủ rợp trời kín đất. Năm 1889, trên bầu trời của Biển Đỏ đã xuất hiện đàn châu chấu lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử, ước tính có khoảng 250 tỉ con, khi chúng bay giống như một đám mây đen lớn có sự sống che khuất ánh sáng Mặt Trời, làm cho mặt đất tối mờ mịt. Quả thực châu chấu cho dù là bay ở trên trời hay đỗ dưới mặt đất vẫn duy trì tính hợp quần, đây là thói quen sinh sống của chúng và là kết quả ảnh hưởng của môi trường.
Châu chấu thích hoạt động thành đàn có quan hệ rất lớn đến thói quen đẻ trứng của chúng. Khi châu chấu đẻ trứng, chúng lựa chọn nơi đẻ trứng rất kĩ lưỡng. Nói chung thích hợp nhất là môi trường có chất đất cứng, có độ ẩm tương đối và có ánh sáng Mặt Trời trực tiếp chiếu vào. Trên cánh đồng rộng lớn, khu vực có thể phù hợp với những điều kiện này tương đối ít, do vậy, chúng thường tập trung đẻ trứng hàng loạt ở trong một diện tích không lớn lắm, thêm vào đó sự chênh lệch độ ẩm trong khu vực này rất thấp, giúp trứng nở đồng thời, đến mức châu chấu non vừa ra đời đã hình thành thói quen sinh sống dựa vào nhau, đi theo nhau.
Châu chấu do phải sinh sống thành đàn nên cũng có liên quan đến nhu cầu về mặt sinh lí của chúng. Chúng cần nhiệt độ cơ thể tương đối cao để thúc đẩy và thích ứng chức năng sinh lí. Vì vậy, một mặt chúng cần sống thành đàn, gắn bó chặt chẽ với nhau, chen chúc nhau để duy trì nhiệt độ trong cơ thể, làm cho nhiệt lượng không bị mất đi; mặt khác lại phải được bổ sung nhiệt không ngừng từ trong môi trường, làm cho nhiệt độ cơ thể tiếp tục tăng lên, tăng cường hoạt động sinh lí.
Châu chấu hoạt động thành đàn đều có đặc điểm sinh lí chung này, bởi vậy, trước khi chúng kết đàn bay, chỉ cần có vài con bay lượn vòng trên không trung trước tiên, rất nhanh chóng sẽ được những con châu chấu dưới mặt đất cảm ứng và đồng loạt bay lên, như vậy đội ngũ của chúng sẽ được hình thành nhanh chóng, và số lượng cũng ngày càng nhiều lên.